Tăng trưởng tín dụng: Đâu là đích?

Số liệu mới nhất của NHNN đến ngày 12/12/2013, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế đã tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Mức tăng trưởng này được nhận định hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cầu thấp, sự lắng đọng của một số thị trường bất động sản…

Ngân hàng trọng chất

Một tuần nữa là kết thúc năm nhưng một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng đã vượt kế hoạch đề ra như VPBank tín dụng đã tăng 28% so với cuối năm ngoái; NamABank tăng trưởng 26%... Song bên cạnh đó, không ít các ngân hàng tỏ ra ngần ngại nói về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Như tại MaritimeBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết cố gắng tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7 - 9%; Sacombank dự kiến cả năm tăng trưởng tín dụng vượt đạt 14%, vượt 2% so với kế hoạch nhưng còn thừa 6% “room” mới của NHNN là 20%...

Hiện có vài trường hợp xin NHNN nới “room” tăng trưởng tín dụng trong quý III nhưng đến thời điểm này giải ngân vốn mới khá chậm nên khá ngần ngại đưa ra con số chính xác về tín dụng.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội lý giải, đúng là trong quý III, tín dụng tăng trưởng khá lạc quan nên nhiều ngân hàng xin nới room tín dụng, nhưng bước sang quý IV thị trường lại khá ảm đạm. Cái khó trong tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở chỗ các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn 3 – 6 tháng.

Tăng trưởng tín dụng: Đâu là đích? - 1

Van tín dụng có nên nới. Ảnh: Ngọc Châu.

Đơn cử: quý III ngân hàng giải ngân mới 2.000 tỷ đồng nhưng có tới 1.500 tỷ đồng đáo hạn như vậy dư nợ cho vay của ngân hàng chỉ tăng 500 tỷ đồng. Theo vị này, dù cuối năm nhưng hiện nhiều DN chủ yếu là trả nợ và bỏ ngỏ khả năng có tiếp tục vay mới. “Nếu điều kiện thị trường tốt lên may ra họ mới vay lại nếu không họ trả luôn, nghỉ Tết sớm. Đến thời điểm này cả ngân hàng lúc nào đau đáu tăng trưởng tín dụng. Nhưng tăng trưởng vào đâu, ai vay mới là vấn đề khó”, vị lãnh đạo trên bày tỏ.

 “Nhiều khả năng đến hết tháng 12, tăng trưởng tín dụng có thể đạt được trên 9%. Vì theo tính quy luật kinh doanh riêng tháng 12 tăng trưởng tín dụng thường tăng khá mạnh bình quân tăng 3%”. 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến

Tuy nhiên, có lãnh đạo ngân hàng lại cho rằng thời điểm này không quan tâm nhiều đến con số mà chỉ chú trọng đến chất lượng tăng trưởng tín dụng. “Chỉ mong là nợ xấu từ tín dụng mới không phát sinh thêm là tốt rồi”, vị này cho hay. Thực tế, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, bản thân con số tăng trưởng không phản ánh hết được tính chất phức tạp của hệ thống tín dụng ngân hàng. vấn đề dòng tiền có thực chất đi vào nền kinh tế hay không. Câu trả lời đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải đáp.

Giả định nếu ngân hàng cố gắng đảm bảo mục tiêu trong bối cảnh chưa cải thiện hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, theo vị chuyên gia trên, có thể lại lặp lại vết xe đổ nợ xấu. Bởi nới lỏng tín dụng, chủ quan hợp đồng tín dụng hy sinh một phần chất lượng tín dụng, một lần nữa đặt ra nền kinh tế, cũng như hệ thống các TCTD lại phải đi xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

2014- Tín dụng khả quan?

Mặc dù tăng trưởng tín dụng năm 2013 không đạt mục tiêu, nhưng năm 2014, hệ thống ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12 - 14%. Lý giải về việc đưa ra con số tăng trưởng tín dụng khá cao, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, năm 2014 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong khi hệ thống ngân hàng vẫn đảm nhiệm vai trò huyết mạch nền kinh tế thì theo đó tăng trưởng tín dụng cũng buộc phải cao hơn.

Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho rằng, dù tín dụng năm 2013 gặp khó nhưng sang năm 2014 có nhiều yếu tố thuận lợi, giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Đó là đầu tư công tăng lên trong 2014, theo đó các ngân hàng sẽ giải quyết nợ xấu từ nợ đọng xây dựng cơ bản. Và như vậy, các NHTM có thể rộng tay hơn trong cấp tín dụng.

Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà thì đề xuất tăng trưởng tín dụng nên duy trì ở mức 13-15%. “Để hỗ trợ NHNN nên cân nhắc nới 2 điều kiện tại văn bản 7558. Đó là cho phép các doanh nghiệp có nợ xấu cho vay mới mà tốt thì không chuyển sang nợ xấu và kéo dài thời gian thực hiện văn bản đến 31/3/2014. Mục tiêu không phải đẩy cao tốc độ tăng tín dụng mà cần hướng biện pháp chính sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn đang có đồng thời xử lý nhanh nợ xấu”- Ông Hà nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN