Tăng trưởng tín dụng 2015 trong mục tiêu 13-15%

Đến ngày 19/12/2014, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013, dự kiến đạt 13% trong năm 2014.

Tại buổi họp báo của ngành ngân hàng diễn ra chiều 23/12, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, trên cơ sở bám sát mục tiêu tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kết quả đạt được trong điều hành năm 2014, NHNN xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2015 là từ 13 đến15%. 

Tăng trưởng tín dụng 2015 trong mục tiêu 13-15% - 1

Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 13% trong năm 2014. (Ảnh minh họa)

Theo bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến ngày 19/12/2014, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013, dự kiến đạt 13% trong năm 2014. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng 12-14% đề ra từ đầu năm đã “cán đích”. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực đã được hệ thống ngân hàng triển khai kịp thời, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 

NHNN cũng cho biết, lượng tiền cung ứng được điều hành hợp lý giữa các kênh, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều kiện NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đến ngày 19/12/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14-16% đề ra từ đầu năm. Huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng khá cao 16,31% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. 

Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. 

Đáng chú ý, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013. 

“Đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các TCTD huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế”, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định. 

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN khẳng định lĩnh vực này về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm (tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013). 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự chậm trễ triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, vốn của chương trình này giải ngân chậm là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong 28 số tỉnh, thành phố Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thì mới có 6 tỉnh phê duyệt danh sách, nên việc tiếp cận vốn của NHTM cần thời gian. 

Nguyên nhân thứ hai, ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 21 mẫu tàu vỏ sắt nhưng người dân vốn đã có thói quen dùng tàu vỏ gỗ và dùng tàu đa năng, tàu vỏ sắt chỉ đáp ứng 1 đến 2 chức năng. Mặt khác, đầu tư vào tàu vỏ sắt kinh phí lớn, người dân chưa quen sử dụng, các cơ sở dịch vụ như đóng tàu, bảo dưỡng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá … người dân còn đang cân nhắc, tính toán. Vốn theo NĐ 67 là vay thương mại, có vay có trả chỉ được hỗ trợ về lãi suất, bảo hiểm… nên người dân cũng phải tính toán để làm sao khi vay sử dụng vốn đúng mục đích và có nguồn lợi trả nợ ngân hàng. 

Nguyên nhân cuối cùng mà ông Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đưa ra là, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngư dân muốn vay vốn đóng tàu gỗ phải có thiết kế tàu. Chi phí cho thiết kế một con tàu dự kiến tốn 300 triệu thiết kế và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì mới tính toán được các phương án. 

“Chính vì thế, khi chưa có thiết kế, dự toán các phương án thì người dân cũng chưa có cơ sở xây dựng phương án vay vốn để NHTM thẩm định và ra quyết định cho vay. Vừa rồi dù ngân hàng chủ động tích cực, nhưng mới giải ngân được 2 trường hợp ngư dân vay vốn, trị giá 22 tỷ đồng. Hiện còn 40 bộ hồ sơ nữa các tổ chức tín dụng đang tích cực triển khai. Hy vọng sang quý I và quý II/2015 sẽ có kết quả rõ nét hơn”, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Huyền (TTXVN)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN