Tăng trưởng - kỳ vọng ở kinh tế tư nhân

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố: GDP 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 5,73%. GDP quý 2 tăng bứt phá so với quý 1, chứng tỏ nền kinh tế đang dần khởi sắc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2017 còn nhiều thách thức và sẽ dựa vào sự phát triển của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân.

Nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê, GDP quý 2 tăng 6,17%, cao hơn quý 1 (5,15%) cho thấy tình hình kinh tế dần khởi sắc. Khoảng cách giữa tăng trưởng GDP quý 1 và GDP quý 2 đã được kéo dãn nhờ những nỗ lực trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Đây là sự bứt phá, bởi thông thường GDP quý 2 chỉ cao hơn quý 1 khoảng 0,3-0,4%.

Những chỉ số về kinh tế được Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy, những dấu hiệu của nền kinh tế khá tích cực. Đáng chú ý chính là xét từ phía sản xuất, tăng trưởng cải thiện không phải là nhờ tăng khai thác dầu thô. Các số liệu công bố cũng cho thấy, dù sản lượng dầu thô có tăng trong quý 2, nhưng tính cả 6 tháng đầu năm thì vẫn giảm đến 8,2%. Về cơ cấu, công nghiệp chế biến – chế tạo cũng có tăng trưởng cao, tương đương như năm ngoái với mức tăng 10,5%.

Sự cải thiện về tăng trưởng được ghi nhận rõ nhất từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng trên 5%. Cùng đó, khu vực dịch vụ, thương mại, bán buôn bán lẻ (tăng 7,1%) và đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống (tăng 8,9%) cũng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung, so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng - kỳ vọng ở kinh tế tư nhân - 1

Phát triển của DN tư nhân là trụ cột của tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2017.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, với kết quả này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% thì trong các tháng cuối năm phải tăng 7,4%. “Trong lịch sử số liệu chưa có 6 tháng cuối năm nào chúng ta có mức tăng cao như vậy. Vì thế, rất khó khăn để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định”, ông Tuyến nói.

Tăng trưởng sẽ phụ thuộc khu vực kinh tế tư nhân

Đánh giá về tình hình kinh tế những tháng cuối năm, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp phục hồi chậm bởi vẫn chịu tác động của biến đổi khí hậu, ngành khai khoáng tăng trưởng âm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Vì vậy, nguồn lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào khu vực DN tư nhân.

Các số liệu cũng cho thấy, số thành lập trong 6 tháng đầu năm 2017, có 61.000 DN thành lập mới và 15.000 DN quay trở lại hoạt động. Đây là nguồn lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng. “Đa số DN mới thành lập của chúng ta có quy mô nhỏ, đóng góp rất ít vào nền kinh tế. Nhưng với số lượng lớn DN, sự đóng góp này vẫn có tác dụng với tăng trưởng chung”, ông Tuyến nhìn nhận.

Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2  của khối DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, 43% DN tham gia khảo sát cho biết, tình hình tốt hơn quý trước. Trong đó, khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố tác động mạnh nhất đến hoạt động của DN. Các khó khăn chính DN gặp phải trong quý này chủ yếu về tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, không tuyển được lao động theo yêu cầu… Về tình hình kinh doanh quý 3/2017, có tới hơn 52% DN nhận định sẽ tốt hơn quý 2; gần 40% DN cho rằng, ổn định và chỉ có 12% số DN dự báo khó khăn hơn.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, dư địa đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm còn lớn. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, từ nay đến cuối năm, một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động, góp phần vào tăng trưởng. Các ngành như thuốc lá, dược phẩm, sản xuất động cơ vẫn còn dư địa trong 6 tháng cuối năm. Ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng trên 10% cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng hơn 10%

Theo dự báo của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 195 tỷ USD, tăng 10 - 11% so với năm 2016, cao hơn chỉ tiêu tăng 6% - 7% được Chính phủ giao. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, với diễn biến của tình hình thế giới, không thể chủ quan với kết quả xuất khẩu và tìm tiếp giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Số liệu của Cục Xuất Nhập khẩu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cả nước đang tăng khá cao, 5 tháng đã đạt gần 79,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu cả nước 2,5 tỷ USD, tương đương 3,1%  kim ngạch xuất khẩu. Bộ Công Thương dự báo, tình hình xuất khẩu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, bởi theo quy luật hằng năm, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm. Cùng đó, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ từ giữa quý II… Việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.    

Thục Quyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN