Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “gây sốc”
Mức tăng GDP quý 1 gây thất vọng của Trung Quốc khiến không ít chuyên gia mất niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/4, nền kinh tế nước này tăng 7,7% trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn dự báo 8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng này cũng giảm đáng kể so với tốc độ tăng 7,9% đạt được trong quý 4/2012.
“GDP quý 1/2013 giảm tốc bất chấp tăng trưởng tín dụng mạnh thực sự là một tin xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc”, hãng tin CNBC trích dẫn nhận định của ông Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng của quỹ đầu tư Silvercrest Asset Management.
Theo chuyên gia này, khi tăng trưởng tín dụng bùng nổ mà tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì tình trạng đó có thể xem là “ngõ cụt” đối với một nền kinh tế.
Giới chuyên gia đều chung quan điểm rằng, kinh tế Trung Quốc đã không đáp ứng được kỳ vọng, bất chấp sự bình ổn của nền kinh tế toàn cầu, gói kích thích trị giá 157 tỷ USD đổ vào lĩnh vực hạ tầng trong quý 2/2012, và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Giới chuyên gia đều chung quan điểm rằng, kinh tế Trung Quốc đã không đáp ứng được kỳ vọng
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, lượng vốn tín dụng cấp mới trong quý 1 tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái không còn có đủ khả năng để tạo ra mức tăng trưởng GDP như cách đây khoảng 1 thập niên cho nền kinh tế Trung Quốc.
Theo hãng phân tích IHS, vào giữa những năm 2000, cứ 1 Nhân dân tệ vốn tín dụng lại tạo ra khoảng 1 Nhân dân tệ GDP danh nghĩa. Năm 2012, cứ 3 Nhân dân tệ vốn tín dụng lại tạo ra khoảng 1 Nhân dân tệ GDP danh nghĩa.
“Mức tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc đúng là gây sốc. Sự thật này là đáng lo ngại. Người ta giờ phải đặt câu hỏi xung quanh những dự báo cho rằng, sự cải thiện trong nền kinh tế toàn cầu sẽ dẫn tới tăng trưởng cao hơn ở Trung Quốc”, ông Tim Condon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ING, nhận xét. Trước đó, ông Condon dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 8,1% trong quý 1.
“Chúng tôi đã mất niềm tin vào một sự phục hồi mạnh”, ông Alistair Thornton, chuyên gia kinh tế cao cấp về Trung Quốc của IHS đánh giá. “Việc thêm một năm nữa kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu cho dù được hỗ trợ bởi chi tiêu chính phủ và dòng vốn tín dụng mạnh có thể sẽ chứng minh điều mà cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nhận định, rằng mô hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc là “không bền vững”.
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 3 vừa rồi, ông Ôn Gia Bảo nói rằng, Trung Quốc thiếu mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững. Ông nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Trung Quốc là “mất cân bằng, thiếu sự điều phối và phát triển không bền vững”, và những điều này “là một vấn đề nổi cộm”.
Trong số các dữ liệu công bố hôm nay, giới phân tích đánh giá rằng, con số cho thấy rõ nét nhất sự yếu đi của kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 3 giảm tốc còn 8,9% so với mức dự báo tăng trên 10%. Vào tháng 8/2012, khi giới quan sát lo ngại về việc Trung Quốc “hạ cánh cứng”, sản xuất công nghiệp của nước này cũng tăng với tốc độ tương tự.
“Trong khi tháng 8/2012 là thời điểm chạm đáy cho giai đoạn giảm tốc tăng trưởng vào năm ngoái của kinh tế Trung Quốc, chúng tôi cho rằng tháng 3 này sẽ là một bước ngoặt xấu cho năm 2013, xét tới việc chính sách vĩ mô đã dịch chuyển sang hướng thắt chặt hơn với các biện pháp như kiểm soát mới đối với thị trường nhà đất”, ông Thornton đánh giá.
Một số chuyên gia, bao gồm ông Vasu Menon, Phó chủ tịch bộ phận quản lý tài sản Group Wealth Management thuộc ngân hàng OCBC, cho rằng, mức tăng trưởng kém hơn dự báo có thể sẽ thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc tung ra những biện pháp kích thích mới.
“Họ có thể đưa ra một gói kích thích nhỏ cho nền kinh tế. Họ muốn có được sự phân bổ tăng trưởng đồng đều và đảm bảo nền kinh tế sẽ không bị tuột dốc để thúc đẩy tiêu dùng nội địa”, ông Menon nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Liu Li-gang của ngân hàng ANZ thì dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tăng lên mức khoảng 8% vào quý 2 và quý 3 năm nay. “Với những rủi ro bên ngoài suy yếu và tăng trưởng tín dụng trong nước ở mức cao, kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc trong quý 2”, ông Liu đánh giá.