Tăng thuế VAT, vì sao lại là 12%?
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính Phạm Đình Thi vừa chia sẻ vì sao đề xuất tăng thuế VAT lên 12%...
"Phương án có lợi nhất"
Ông Thi cho biết: “Tại sao là 12% mà không phải 9% hay 13%? Không ai trả lời được nhưng trên cơ sở chúng tôi tổng hợp đánh giá. Trong dự thảo đưa ra hai phương án và tính toán trên sức mua, tiêu dùng và chọn phương án đó - phương án có lợi nhất”.
Phương án tăng thuế VAT từ 10% lên 12% vấp phải phản ứng của dư luận. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các Bộ, ngành. Hiện mới có một số Bộ, ngành đã gửi ý kiến đóng góp.
Trước câu hỏi: sau hai tuần đưa ra, liệu Bộ Tài chính có điều chỉnh con số 12% hay không?, ông Thi cho hay: “Có điều chỉnh sau hai tuần thì không thể nói được gì”.
Khi được hỏi về báo cáo đánh giá tác động của dự thảo đối với các đối tượng chịu tác động, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết về nguyên tắc tại thời điểm trình báo cáo lên Chính phủ và Bộ Chính trị đã bao gồm cả báo cáo đánh giá tác động. Còn việc công bố với báo chí và người dân sẽ chọn thời điểm thích hợp.
Ông Thi cho biết, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2010 là 23,5% GDP giảm xuống còn 21% năm 2016. Mức tỷ lệ thuế/GDP giảm chủ yếu do thu từ dầu thô giảm; nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm dần do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại và do việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% xuống 20% để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều người đặt câu hỏi cơ sở nào để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%?
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, thuế suất thuế VAT của Việt Nam đang ở mức thấp, và thuế suất trung bình ở châu Phi là 16,4%, châu Á là 10,9%; EU là 19,8%; Trung Âu và Nga là 18,6%; châu Mỹ là 14% và mức thuế suất trung bình của toàn thế giới là 16%...
Do vậy, để thực hiện tái cơ cấu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, đề nghị nâng mức thuế suất 10% lên 12% là cần thiết.
Bộ Tài chính bác tăng thuế tác động nhất tới người nghèo
Trước ý kiến cho rằng tăng thuế suất thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, ông Thi phản bác: về lý thuyết thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.
Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế VAT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp.
Ông Phạm Đình Thi cho biết, theo quy định của Luật thuế GTGT thì hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT ở mức thuế suất ưu đãi 5%.
Căn cứ vào kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 do Tổng cục thống kê công bố, Bộ Tài chính thấy rằng, đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên. Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.
Như vậy, “việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo”.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000 đồng/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000-720.000 đồng/tháng; chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh sinh viên; miễn học phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...
“Như vậy, rõ ràng người nghèo không phải là người chịu tác động nặng nề nhất”, ông Thi nói.
Bộ Tài chính: Tăng thuế VAT không tác động nhiều tới lạm phát Về tác động tới lạm phát của việc tăng thuế VAT lên 12% như đề xuất, ông Thi cho biết theo đánh giá đánh giá của Ngân hàng thế giới từ kinh nghiệm quốc tế thì tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT đối với lạm phát của Việt Nam “là tương đối hạn chế”. Khẳng định đề xuất tăng thuế GTGT này sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI nhưng chỉ tăng “một lần” trong khoảng 0,06-0,39%. Trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế GTGT thì mới phát sinh tăng lạm phát. Lạm phát của Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai vẫn ở mức thấp, do vậy năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế. |