Tăng thuế VAT: Bánh canh, hủ tiếu... cũng tăng
"Giải thích lý do tăng thuế VAT của Bộ Tài chính thể hiện tư duy làm chính sách ngồi máy lạnh".
Đây là những đánh giá của bạn đọc cũng như chuyên gia kinh tế khi xem lời giải thích của lãnh đạo Bộ Tài chính nói về tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Thuế tăng, hủ tiếu cũng lên giá, thưa Ngài !
Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30-8, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp sẽ không chịu nhiều tác động khi thay đổi thuế suất VAT.
Bà Mai dẫn chứng theo quy định của Luật Thuế VAT thì hiện nay có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, trong đó có nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; hoặc các hàng hóa chịu thuế VAT ưu đãi 5% như thuốc chữa bệnh, nông nghiệp, nước sạch,...
Trước đó, vào sáng cùng ngày, trả lời báo chí, thuộc cấp của bà Mai là ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, đơn vị trực tiếp soạn thảo đề xuất tăng thuế VAT cho rằng, với hộ gia đình thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì hộ chi khoảng 3,5 triệu đồng cho hàng hóa lương thực, thực phẩm, y tế giáo dục,...thuộc đối tượng không chịu thuế VAT (đề xuất tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến khoản chi này); đối với các khoản chi còn lại cho hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% hay 10% là 3,5 triệu đồng.
Như vậy khi tăng thuế VAT từ 10 lên 12% thì hộ gia đình phải trả thêm mỗi tháng cao nhất khoảng 70.000 đồng.
Việc tăng thuế VAT từ 10 lên 12% tác động không lớn đến chi tiêu hộ gia đình có thu nhập thấp. Tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến rau, thịt ngoài chợ.
Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế VAT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì!?
Tăng thuế, người nghèo sẽ càng khổ hơn
Những lý lẽ của đại diện Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ dư luận. Ban đọc Nguyễn Bảo Toàn bình luận: Lời diễn giải thật khó nuốt. Bất cứ món hàng nào cũng liên quan đến thuế. Rau mua ở chợ không phải đóng thuế nhưng vận chuyển, phân bón, mặt bằng... Có phải đóng thuế không?
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc có nickname Hai Lúa nhận xét: Rau thịt không chịu thuế VAT nhưng chi phí để sản xuất, để vận chuyển rau thịt đến miệng dân có chịu thuế không?
Độc giả Huỳnh văn Xuyên viết: Thưa ngài, là một người dân được học hành rất ít tôi còn biết khi tăng thuế sẽ kéo theo tất cả các sản phẩm bị ảnh hưởng, trong đó có sản phẩm bị ảnh hưởng trực tiếp (bị đánh thuế), có sản phẩm bị ảnh hưởng gián tiếp ( do ảnh hưởng bởi các sản phẩm bị đánh thuế).
Ví dụ cho ngài rõ: xăng lên, hủ tiếu, bánh canh cũng bị tăng giá. Xăng lên thì giá vận chuyển lên kéo theo giá hủ tiếu, bánh canh lên.
Ngoài ra, ngài nói người nghèo ít bị ảnh hưởng, theo tôi, hoàn toàn sai. Người nghèo do mua đồ ít, nên chịu thuế ít hơn người giàu. Tuy nhiên, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì họ đã nghèo, gánh thêm 1 khoảng nào nữa dù "nhỏ" hoặc "rất nhỏ" đều ảnh hưởng "to" hoặc " rất to" đến cuộc sống, tương lai của con, em họ.
"Kết lời: tăng thuế, có khi nó không ảnh hưởng đến ngài thôi. Khóc cho những người nghèo...", bạn đọc Nguyên viết.
Đừng ngồi máy lạnh, hãy ra chợ
Không chỉ các bạn đọc mà chuyên gia kinh tế cũng lấy làm ngạc nhiên. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ, các nhà làm chính sách đừng ngồi máy lạnh mà hãy ra chợ để xem một bó rau, miếng thịt chịu bao nhiêu loại thuế, phí. Thuế VAT là thuế gián thu, người gánh cuối cùng chính là người tiêu dùng.
VAT đánh vào mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trái, miễn là họ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. “Một con heo từ lò mổ hay bó rau từ hợp tác xã đến chợ chịu rất nhiều loại thuế, trong đó có VAT. Dù người tiêu dùng không nhìn thấy thuế VAT nhưng miếng thịt, bó rau phải chịu rất nhiều chi phí nước, điện, xăng, vận tải,…Người bán rau sẽ phải nâng giá lên để bù đắp những chi phí đó”- Ông Phú nói.
Tăng bất cứ loại thuế nào cũng ảnh hưởng đến đời sống, túi tiền của người tiêu dùng. Tăng thuế đương nhiên giá thành sẽ bị đẩy lên kéo theo sức mua giảm, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không có người mua. Một hệ lụy dây chuyền sẽ tác động liên hoàn đến nền kinh tế, an sinh xã hội, việc làm,…Người nghèo sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất.
Trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, nợ công, bội chi tăng cao thì tăng thuế là giải pháp nhanh và dễ nhất trong điều hành chính sách. Thế nhưng thay vì tăng thu, dư luận đặt vấn đề tại sao Bộ Tài chính không tái cơ cấu chi thường xuyên, chống thất thu thuế, lãng phí,….
Đừng tăng thuế để tạo thêm gánh nặng cho người nghèo
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 30-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính.
Trong đó, quyết liệt chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, chống lạm thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần thể hiện rõ hơn tinh thần tái cơ cấu ngân sách mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, giảm mạnh chi thường xuyên, với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi…
Tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động và lời nói của Thủ tướng đã rất rõ ràng. Vấn đề còn lại sẽ ở chính các bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính!
“Người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế VAT nên không bị ảnh hưởng” - đại diện Bộ Tài chính.