Tăng nóng lãi suất: Người gửi chẳng lợi, người vay chẳng được miếng?

Chỉ ra một trong số nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng nóng, TS. Nguyễn Đức Độ -Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, là do nền kinh tế vẫn vướng phải nút thắt đô la hoá.

Đô la hoá “cản đường” hạ lãi suất

Các ngân hàng lại đang bước vào cuộc đua lãi suất huy động, kỳ hạn gửi dài tại một số ngân hàng đã được “đẩy” lên 8,4%/năm và sẽ chưa dừng lại ở con số này. Quan sát thị trường ông có nhận định gì về cuộc đua này?

Nhiều giả thiết đặt ra kỳ vọng lạm phát sẽ tăng cao, khoảng 4-5%/năm trong năm nay, nhưng tôi cho rằng điều này không rõ ràng lắm. Nếu tăng trưởng GDP năm nay đạt ở ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội đề ra, mức 6,7 – 7%/năm thì lạm phát sẽ “ổn”, không quá 5%/năm. Nhưng nếu chỉ tiêu GDP ở mức 6%/năm thì lạm phát có thể tiếp tục… rơi.

Tăng nóng lãi suất: Người gửi chẳng lợi, người vay chẳng được miếng? - 1

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Trước diễn biến này, theo tôi NHNN sẽ phải tìm cách để giữ ổn định lãi suất. Song sự “ổn định” với lãi suất kỳ hạn sẽ khó khăn, vì lãi suất này phụ thuộc vào khả năng huy động vốn tiền gửi dài hạn của người dân. Nếu người dân chọn gửi kỳ hạn dài càng nhiều thì lãi suất dài hạn sẽ hạ. Tuy nhiên, nền kinh tế đang vấp phải nút thắt đô la hoá. Phải lưu ý nếu lãi suất ngắn hạn giảm xuống thì khu vực thương mại có thể sẽ được hưởng lợi, còn nhà đầu tư dài hạn sẽ … lo sốt vó. 

Tỷ lệ đô la hóa của nền kinh tế hiện giờ đâu đó khoảng 10%, giảm nhiều so với thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng nếu thị trường đón nhận bất kỳ một “cơn sóng” bất ngờ nào liên quan tới tỷ giá thì ngay lập tức tỷ lệ này sẽ tăng lên. Nếu đô la hoá được giải quyết, tỷ giá ổn định, người dân sẽ sẵn sàng gửi tiền dài hạn. Khi đó mặt bằng lãi suất tiền gửi dài hạn sẽ giảm xuống, và ngược lại. Kèm với đó NHNN sẽ có những chính sách nới lỏng nhất định để đảm bảo thanh khoản và hạ lãi suất ngắn hạn.

Niềm tin vào tiền đồng là rất quan trọng và chính sách điều hành lâu nay của NHNN cũng hướng tới mục tiêu tăng niềm tin vào tiền đồng của người gửi tiền, hơn là nắm giữ đô la Mỹ hay vàng. Điều này đòi hỏi cả quá trình dài chứ không thể đạt được trong ngày một ngày hai.

Ngoài đô la hoá thì lãi suất trái phiếu Chính phủ đang dâng cao có là áp lực khiến các nhà băng tăng lãi suất huy động để bù vốn?

Về lý thuyết thì có 3 yếu tố tác động tới mặt bằng lãi suất là đô la hoá, trái phiếu Chính phủ và nợ xấu.

Tăng nóng lãi suất: Người gửi chẳng lợi, người vay chẳng được miếng? - 2

Các nhà băng vẫn đua nhau tăng vọt lãi suất. Ảnh minh họa: internet

Trước đây Chính phủ chỉ phát hành trái phiếu để bù vào thâm hụt ngân sách nhưng bây giờ còn có cả đảo nợ nữa, cho nên áp lực đối với thị trường cũng lớn hơn. Rồi vấn đề nợ xấu, các ngân hàng có nợ xấu phải trích lập dự phòng, vẫn phải tăng trưởng tín dụng để có mẫu số lớn hơn, làm cho tỷ lệ nợ xấu thấp đi. Áp lực như thế cũng làm cho lãi suất tăng lên.

Trái phiếu Chính phủ hay nợ xấu đều dẫn đến nhu cầu về vốn, tuy nhiên nguồn cung về vốn lại phụ thuộc vấn đề đô la hóa. Đô la hóa làm cho nguồn cung về vốn dài hạn bằng tiền đồng thấp đi, còn cái trái phiếu Chính phủ cũng như nợ xấu làm cho cầu tín dụng tăng lên.

NHNN có thể nới lỏng tiền tệ nhưng có lẽ cái nới lỏng đấy sẽ liên quan nhiều đến lãi suất ngắn hạn, tất nhiên, nếu mua nhiều trái phiếu Chính phủ cũng sẽ có những tác động nhất định nhưng cũng sẽ có những hạn chế.

Người gửi chẳng được lợi, người vay chẳng được miếng

Các ngân hàng đã đẩy lãi suất lên cao, có ý kiến cho rằng trong cuộc đua này người gửi tiền chẳng được lợi, người đi vay cũng chẳng được miếng. Ý kiến của ông ra sao?

Thực ra lợi thì nằm ở chỗ người dân nếu như gửi dài hạn thì có lợi, nhưng bản thân lãi suất huy động ngắn hạn hiện tại cũng đã là cao. Bây giờ lạm phát đang ở mức 1%, gửi ngắn hạn được hưởng 5% đâu có phải là thấp.

Vấn đề hiện tại là khi lãi suất cao thì doanh nghiệp trong nước sẽ phải vay với lãi cao. Những năm 2000 cơ quan điều hành đã cho huy động và cho vay vàng, đô la Mỹ, giúp giảm áp lực lãi suất. Tức là huy động bằng USD lãi suất thấp hơn và cho vay cũng thấp hơn và nó giải quyết được vốn cho nền kinh tế. Nhưng cách này cũng đem lại khá nhiều rủi ro.

“Sóng” lãi suất huy động đang dấy lên mối lo lãi suất cho vay sẽ “té nước theo mưa” tăng theo thời gian tới. Lo lắng này là có cơ sở, thưa ông?

Hiện giờ nếu bạn hỏi 10 chuyên gia về lãi suất và hiện tượng lãi suất thời gian này thì chắc hẳn cả 10 chuyên gia sẽ trả lời: Lãi suất hiện giờ không hề thấp, thậm chí là cao.

Cá nhân tôi tin NHNN sẽ bằng mọi cách, mọi công cụ nắm trong tay để điều chỉnh và ổn định mặt bằng lãi suất trở lại thời gian tới. Thông điệp trong phát biểu mới đây của lãnh đạo NHNN cũng thể hiện điều này.

Như ông nói NHNN sẽ có công cụ để điều tiết, vậy “gậy” mà NHNN sẽ dùng tới là gì, thưa ông?

NHNN muốn hạ lãi suất thì phải bơm tiền, nhưng liên quan nhiều tới lãi suất ngắn hạn. Các ngân hàng mua nhiều trái phiếu thì áp lực lãi suất trái phiếu giảm đi, góp phần giảm lãi suất dài hạn. Nhưng chắc chắn NHNN không muốn mua trái phiếu nhiều hay mua quá nhiều đô la. Bởi nới lỏng tiền bằng mua đô la nhiều thì sẽ khiến tỷ giá tăng lên, buộc NHNN phải tính toán và cân đối khi tiền “bơm” ra thị trường nhiều liệu có “chảy” vào đúng chỗ...

Nếu có khoản tiền nhàn rỗi lúc này nên lựa chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm ngắn hay dài để có lợi nhất, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên hiện giờ mặt bằng lạm phát là 1%, thì gửi lãi suất kỳ hạn ngắn khoảng 4,5 – 5%/năm thì người gửi tiền vẫn có lãi.

Nếu có tiền mà không dùng vào mục đích gì họ có thể tính tới chuyện gửi tiết kiệm để lấy lãi. Còn chọn kỳ hạn gửi ngắn hay dài cũng phụ thuộc vào nhu cầu của từng người. Gửi bằng đồng tiền Việt hay đô la Mỹ phụ thuộc vào kỳ vọng biến động tỷ giá... Nói chung, cũng khó có lời khuyên nào dành cho người gửi tiền vì mỗi người có mục đích nắm giữ và sử dụng tiền nhàn rỗi khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN