Tăng lương tối thiểu: “Không chỉ thỏa mãn một chiều”

“Cần dung hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động. Nếu chỉ thỏa mãn một chiều cho người lao động, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết.

Ngày 6/8 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp lên 15,1% so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 (các quận và một huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400.000 đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.

Các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 - 350.000 đồng.

Tăng lương tối thiểu: “Không chỉ thỏa mãn một chiều” - 1

Nếu chỉ thỏa mãn một chiều cho người lao động, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết (Ảnh: Tiền Phong)

Lương cao khi năng suất lao động cao

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam), mục đích tăng lương để cải thiện để cuộc sống người lao động là chính đáng và tốt đẹp.

Tuy nhiên, vấn đề chính với nền kinh tế Việt Nam là năng suất lao động quá thấp, mấy năm gần đây lại sụt giảm đi. Trong khi đó, về nguyên lý, tiền lương thể hiện năng suất lao dộng, nếu năng suất không cao, tiền lương không thể cao. Nghĩa là làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Theo chuyên gia kinh tế, mấy năm gần đây, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên dữ dội như điện, xăng dầu, hạ tầng... bao nhiêu thứ phí, thuế khác làm cho doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh. Hệ quả, mỗi năm hàng vạn doanh nghiệp đóng cửa giải thể, năm 2013 lên đến đỉnh cao 67 nghìn doanh nghiệp đóng cửa. 6 tháng đầu năm 2014, cũng có nhịp độ tương tự như năm ngoái. Doanh nghiệp đóng cửa, cũng có nghĩa hàng triệu người lao động mất việc làm.

“Tôi nghĩ rằng, mọi quyết định tăng lương hay tăng giá, hoặc thu thêm phí bao giờ cũng phải nghĩ đến, người sản xuất kinh doanh chịu nổi không? Người ta còn hoạt động được mới thuê lao động, có tiền trả lương cho lao động...”.

Bà Lan cho rằng, muốn tăng lương, hãy xem có cách nào đẩy năng suất của người lao động lên. Doanh nghiệp cũng mong muốn năng suất lao động nhân công cao hơn, họ sẽ trả lương cao.

Bà gợi ý, cần phải thay đổi tính hiệu quả của hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay; các nhà làm chính sách có giải pháp tiết kiệm cho nền kinh tế, không đè gánh nặng thuế, phí lên doanh nghiệp; tránh tham nhũng, thất thoát..

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng mức lương đề xuất tăng 15% so với năm 2014 như hiện nay là mức có thể chịu được, nếu nâng hơn nữa, doanh nghiệp rất khó chịu được. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho thấy, năm 2012, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 6.816 USD, một trong những mức thấp nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số các nước ASEAN, năng suất lao động tại Việt Nam mới chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaixia và 1/15 so với Singapore.

Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, điều kiện làm việc và mức sống.

Do vậy, Chính phủ cần tạo ra những điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ví dụ như cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dịch chuyển ngành, các giải pháp sản xuất hiệu quả (đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và cải thiện quan hệ lao động.

Về dài hạn, tăng trưởng năng suất tạo nền tảng cho tăng trưởng tiền lương bền vững trong khi vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Không nên áp đặt một cách hành chính

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, lạm phát đã làm người dân nghèo đi. Theo ông, lạm phát như một loại thuế vô hình, “đánh” vào người cầm đồng tiền Việt Nam.

Mức lạm phát đó làm giảm sức mua thực tế của người lao động. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị nâng mức lương để đền bù mức trượt giá của lạm phát. Đồng thời, bảo đảm mức sống không bị giảm sút quá nhiều cho người lao động.

Theo ông Doanh, nếu tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động thì doanh nghiệp chết, không cạnh tranh được. Như vậy, người lao động không có việc làm.

Cho nên cần dung hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động. Nếu chỉ thỏa mãn một chiều cho người lao động, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Theo ông Doanh, nếu đòi hỏi doanh nghiệp tăng một cách nhất loạt như mức tăng của Hội đồng tiền lương đề xuất trong bối cảnh khối doanh nghiệp dân doanh hiện rất khó khăn, doanh nghiệp sẽ không làm được.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, trên cơ sở tính toán tăng năng suất lao động, có thể nghiên cứu thêm, chứ không áp dụng nhất loạt phải tăng lương bao nhiêu.

Ông Doanh cho rằng, mức tăng lương phải phù hợp với năng suất lao động, phải nghiên cứu trên từng doanh nghiệp chứ không nên áp đặt một cách hành chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng – Thảo Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN