Tăng lương cho 5 triệu người: 90.000 đồng với người nghèo cũng tốt

Từ 1/1/2015 khoảng 5 triệu người lao động thu nhập thấp, cán bộ về hưu, cán bộ có hệ số lương hưởng ngân sách dưới 2,34 sẽ được tăng thêm 8% lương cơ bản.

Bên hành lang Quốc hội ngày 7/11, Infonet ghi nhận ý kiến các ĐBQH về đề xuất này của Chính phủ.

Bày tỏ ý kiến các ĐBQH hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách đang rất eo hẹp hiện nay, nhưng về lâu dài vẫn cần một cuộc cải cách tiền lương thực sự.

Theo phương án mà Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 đối tượng được được đề xuất tăng lương trong năm sau gồm: người có công, người về hưu, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống. Mức tăng dự kiến khoảng 8% lương tối thiểu hiện hành (1,15 triệu đồng), bằng mức lạm phát dự kiến. Mức tăng nêu trên, theo đó tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng.

Tăng lương cho 5 triệu người: 90.000 đồng với người nghèo cũng tốt - 1

Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm 8% lương tối thiểu cho đối tượng thu nhập thấp

Theo phương án này, nhu cầu kinh phí cho tiền lương năm 2015 sẽ tăng thêm khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.

Chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội sáng 7/11, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong lúc ngân sách quá khó khăn chưa tăng được lương tối thiểu cho tất cả các đối tượng lao động, thì việc Chính phủ giao Bộ Tài chính tính toán để có thể tăng lương tối thiểu chọn tăng thêm 8% cho người về hưu, cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống… là hoàn toàn hợp lý.

Ông đơn cử, có những cấp dưới của mình nếu lương tối thiểu tăng 100.000 đồng/bậc thì mỗi tháng số tiền được lĩnh thêm chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng đây thực sự là nguồn động viên cho những người làm công ăn lương, nhất là cán bộ mới ra trường hệ số lương ngân sách ở mức khởi điểm thấp nhất.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của đại biểu, cử tri, nhưng việc cân đối phải phụ thuộc vào tình hình ngân sách.

Phương án tối ưu nhất là tăng đồng loạt cho tất cả các đối tượng, nhưng trong trường hợp ngân sách đang eo hẹp như hiện nay thì nếu tính chi ly được mà tăng lương cho những người có mức lương thấp, đặc biệt cán bộ nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước chính sách lương thấp, thì đã là quá tốt.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, đây chỉ là tình thế trước mắt, về lâu dài cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ 2 chặt chẽ, triệt để hơn, cuộc cải cách này phải gắn với cải cách hành chính.

“Dân không thể nào đóng thuế mãi mãi để tăng bộ máy Nhà nước được. Không thể chấp nhận cứ bộ máy tăng thì tiền chi ngân sách cũng tăng, mà phải khống chế lượng tiền chi cố định, nếu đơn vị nào, cơ quan nào tinh giản được bộ máy thì cán bộ được hưởng nhiều và ngược lại. Không thể để tái diễn mãi tình trạng “thuyền lên thì nước lên” như hiện nay” – ông nói.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tâm tư khi nhắc lại cảnh ngộ của những cử nhân tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm 10 năm vẫn không trả hết nợ vay dành cho ăn học 5 năm đại học.

“Chung quy chỉ vì thang bậc lương của chúng ta đang thấp quá”- ông Kiên nói và nhấn mạnh chuyện phải cải cách cơ bản tiền lương, bộ máy cán bộ Nhà nước trước khi tính tới chuyện tăng lương”- ông nói.

Vấn đề nữa ĐB Tâm băn khoăn, là chúng ta đã thực sự tiết kiệm chi ngân sách chưa, để nói xem có nguồn hay chưa có nguồn, như chi cho các cuộc hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ khởi công khánh thành …

“Tôi cho là chưa đâu, chi khánh tiết, hội thảo còn lãng phí lắm, Chính phủ đã chỉ đạo từ lâu rồi nhưng chưa được làm nghiêm. Tôi nghĩ nếu làm tốt những cái đó thì cũng có nguồn tăng lương cho người lao động”- bà nói.

Bên cạnh đó, nếu tính toán kỹ lại nguồn chi thường xuyên, tiết kiệm các khoản chi thì khả năng tăng lương cơ sở là đảm bảo được sự đồng thuận cao hơn, tạo sự động viên cho cán bộ công chức. Cùng với đó năm 2015 phải quyết liệt tinh giảm biên chế, tổ chức lại bộ máy.

“Quan trọng nhất là tổ chức lại bộ máy tránh trùng lấn chức năng nhiệm vụ, tầng lớn trung gian, chỉ gây phiền hà thêm chứ không giải quyết được vấn đề gì, gây phình bộ máy ra. Cứ để thế này thì phải chi phí cho bộ máy quá lớn”- Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN