Tăng dự trữ để can thiệp thị trường vàng
Huy động số vàng trong dân ước tính khoảng 500 tấn, tương đương 20 tỷ USD trong bối cảnh nguồn lực đất nước có hạn là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm. Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ xây dựng Đề án Huy động vàng trong dân ngay trong năm 2012.
Tuy nhiên, thời điểm các ngân hàng phải ngừng huy động vàng đã cận kề (25/11/2012), nhưng theo một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Đề án Huy động vàng trong dân khó có thể hoàn thành trong năm 2012 như dự kiến. Vị chuyên gia này tiết lộ, lý do khiến Đề án khó hoàn thành trong năm 2012 là thị trường vàng diễn biến phức tạp, nhiều văn bản quản lý thị trường vàng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, việc tìm ra cơ chế huy động vàng và cách sử dụng vàng như thế nào cho hiệu quả và ít rủi ro là rất khó.
Như vậy, có khả năng, sau ngày 25/11, nguồn vàng dự trữ trong dân sẽ phải nằm yên trong két. Trong khi đó, việc có nên huy động vàng trong dân hay không vẫn tiếp tục gây tranh cãi. TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN và các ngân hàng thương mại không nên huy động vàng trong dân, bởi rủi ro rất lớn, nhất là trong bối cảnh giá vàng có xu hướng tăng như hiện nay. Trong khi đó, TS. Nguyễn Trọng Tài (Học viện Ngân hàng) nhận định: “Huy động và giải phóng nguồn lực bằng vàng trong dân rất cần thiết cho phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được tình trạng ngân hàng thương mại lách luật”.
Trên thực tế, cảnh báo của ông Phạm Đỗ Chí không phải là không có cơ sở. Trước đây, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại huy động và cho vay bằng vàng. Quyết định này đã làm thị trường vàng nhiều phen “dậy sóng”.
Những cơn sốt vàng tuần qua, khiến giá vàng trong nước nhiều thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng cũng một phần từ nguyên nhân này. Một thời gian dài trước đây, ngân hàng đã ồ ạt cho vay vàng để đầu tư bất động sản với kỳ hạn dài (do lãi suất cho vay vàng thấp hơn lãi suất cho vay tiền đồng), trong khi đó, phần lớn lượng vàng huy động được đều ở kỳ hạn 1 - 3 tháng. Điều này đã khiến nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái âm về vàng. Chính vì vậy, dù NHNN đã nhiều lần gia hạn, song các ngân hàng vẫn không huy động nổi số vàng phải trả. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã mạnh tay mua vàng để cắt lỗ, trước dự báo giá vàng có thể tiếp tục tăng cao.
Sự bất ổn của các ngân hàng trong huy động và cho vay vàng thời gian qua đã cho thấy, rủi ro mà NHNN phải đối mặt nếu huy động vàng trong dân là rất lớn. Bấy lâu nay, hệ thống ngân hàng nước ta chỉ huy động và cho vay tiền mặt, chưa có kinh nghiệm quản lý, giao dịch vàng. Vì vậy, việc NHNN dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại để huy động và can thiệp thị trường vàng theo Đề án huy động vàng trong dân cần lường trước rủi ro.
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, cần tăng dự trữ vàng, chỉ có như vậy NHNN mới có thể chủ động trong can thiệp thị trường. Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên chuyển một phần dự trữ ngoại hối sang dự trữ vàng. Để làm được điều đó, NHNN cần một đội ngũ chuyên gia để tư vấn thời điểm mua vào, bán ra thích hợp. Và hơn cả, cần có những nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng để ra đời những chính sách có tầm nhìn dài hạn về thị trường.