Tằn tiện đến khó tin, tỷ phú Thụy Điển lập nên đế chế nội thất từ tay trắng
Thói quen tiết kiệm đến mức kỳ quặc đã giúp Kamprad biến doanh nghiệp nhỏ của mình thành đế chế đồ nội thất toàn cầu. Triết lý sống tằn tiện của ông đến nay vẫn là hình mẫu đối với các nhân viên.
Ông trùm người Thụy Điển Ingvar Kamprad từng lèo lái IKEA trong 70 năm trước khi qua đời vào ngày 27/1 ở tuổi 91. Với tài sản ròng 48,1 tỷ USD ở đỉnh cao theo định giá của Wealth-X, ông là một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.
Theo tác giả Malcolm Gladwell, Kamprad thành công nhờ đặc điểm tính cách khác biệt: khó ưa, tằn tiện và không bận tâm ngay cả khi người khác nghĩ ông bị điên.
Đạo đức nghề nghiệp, tính tiết kiệm và phong cách giản dị của ông vẫn là cốt lõi trong bản sắc ngày nay của một trong những thương hiệu đồ nội thất được ưa chuộng nhất thế giới.
Triết lý tiết kiệm làm nên đế chế nội thất Thụy Điển
Kamprad thành lập công ty vào năm 17 tuổi từ trang trại của gia đình ở tỉnh Smaland, Thụy Điển, nơi người dân nổi tiếng tiết kiệm và khéo léo.
Ông bộc lộ tài năng kinh doanh từ sớm khi mua gom bao diêm giá rẻ từ Stockholm rồi bán lại trong khu dân cư với giá thấp mà vẫn thu lời cao. Những khoản tiền tiết kiệm và tiền lãi đã giúp ông mở rộng sang kinh doanh cá, đồ trang trí cây thông Noel, hạt giống, bút bi, bút chì và sau đó là dịch vụ đặt hàng qua thư.
Năm 1950, Kamprad giới thiệu đồ nội thất được sản xuất tại vùng rừng của địa phương. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, ông quyết định ngừng tất cả các sản phẩm khác và tập trung vào đồ nội thất giá rẻ.
Năm 1956, Kamprad đã cách mạng hóa thị trường đồ nội thất khi giới thiệu “đồ nội thất lắp ráp”, phương pháp giúp công ty cắt giảm chi phí bằng cách cho phép khách hàng mua đồ nội thất bằng gỗ và tự lắp ráp. Nhờ triết lý tối giản này, công ty của ông có thể cung cấp sản phẩm nội thất gia đình giá cả phải chăng cho các khách hàng trên toàn cầu.
Ảnh 1: Cuộc cách mạng “đồ nội thất lắp ráp” giúp công ty nội thất Thụy Điển giữ mức giá thấp. Ảnh: IKEA
Theo Business Insider, Kamprad là một nhân vật hiếm có với cả sự tận tâm, cởi mở và khó ưa. Những đặc điểm tính cách này đã giúp ông trở thành một nhà cải cách quả cảm trong bước đầu sự nghiệp.
Các đồng nghiệp cho biết Kamprad là người cực kỳ tiết kiệm. Ông sống đạm bạc và kỳ vọng các nhà quản lý của mình làm tương tự bằng cách đi lại bằng vé phổ thông thay vì vé hạng nhất, lưu trú tại các khách sạn giá rẻ và ăn uống bình dân khi đi công tác.
Tài sản cá nhân của Kamprad ước tính ở mức 750 triệu kronon (113 triệu USD). Tuy nhiên, theo cách tính của Forbes, Bloomberg và một số cơ quan khác, Kamprad sở hữu tài sản trị giá gần 59 tỷ USD và là người giàu thứ 8 thế giới trước khi qua đời. Trước khi nghỉ hưu, ông đã chuyển hầu hết số tiền này vào quỹ từ thiện.
Lãng phí là trọng tội
Dù thường xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới nhưng Kamprad chưa bao giờ sống như một nhà tài phiệt. Trong hàng chục năm, ông chỉ lái chiếc xe hơi Volvo 1993 khiêm tốn dù sở hữu siêu xe Porsche.
Trong cuốn sách năm 1998 về lịch sử IKEA, Kamprad cho biết ông có thói quen ghé vào chợ rau ngay trước khi đóng cửa với hy vọng mua được hàng giá rẻ. Ông cũng ăn mặc giản dị và thường mua quần áo ở chợ trời. “Đó là bản chất tằn tiện của người Smaland”, ông nói về thói quen này trong phim tài liệu năm 2016.
Kamprad chuyển đến Thụy Sĩ vào cuối những năm 1970 để tránh phải trả các khoản thuế cao nhất thế giới của Thụy Điển vào thời điểm đó. Ông chỉ quyết định trở về quê nhà sau khi vợ ông, Margaretha, qua đời vào năm 2011.
Ảnh 2: Ingvar Kamprad, người sáng lập chuỗi cửa hàng đồ nội thất Thụy Điển, suốt đời thực hành tiết kiệm và siêng năng. Đây được cho là những đặc điểm làm nền tảng cho sự thành công của công ty. Ảnh: IKEA
Hồ sơ thống kê tài sản gửi cơ quan thuế Thụy Điển năm 2013 cho thấy vợ chồng Kamprad sống thoải mái nhưng không hề xa hoa. Họ có hai chiếc xe: một chiếc Skoda năm 2008 và một chiếc Volvo 240 năm 1993.
Kamprad chi tiêu trong phạm vi ngân sách eo hẹp. Sau khi trả khoảng 27 USD để cắt tóc tại Hà Lan năm 2008, ông nói với một tờ báo Thụy Điển rằng mức giá này quá cao so với khoản chi thông thường của ông cho việc cắt tóc.
"Tôi thường cố gắng cắt tóc khi đang ở một nước đang phát triển, lần trước là ở Việt Nam", ông nói.
Những thói quen này không chỉ thể hiện triết lý cá nhân của Kamprad đối với chủ nghĩa tiêu dùng mà còn được xem là chuẩn mực đối với các nhân viên của ông. Cuốn sách “Cẩm nang của một nhà buôn đồ nội thất” do Kamprad chấp bút năm 1976 đến nay vẫn được các nhân viên coi là chỉ dẫn cần tuân thủ. Trong đó, Kamprad mô tả chi tiết triết lý tiết kiệm của mình với tuyên bố “lãng phí tài nguyên là một trọng tội ở IKEA”.
Dù đã trở thành tỷ phú giàu nhất trong lịch sử, nhưng Jeff Bezos vẫn không bỏ thói quen tiết kiệm của bản thân.