Tài xế Grab, Uber than khó dịp cuối năm
Những quy định mới như tăng chiết khấu, cấm hủy chuyến của Grab và Uber đang khiến nhiều lái xe bức xúc. Không ít tài xế cho biết, sẽ bán xe bỏ nghề khi “cày” xong Tết.
Grab tăng chiết khấu, tài xế kêu trời
Grab vừa tăng 5% chiết khấu áp dụng cho tài xế GrabCar. Theo đó, những tài xế gia nhập trước ngày 1/10/2017 sẽ hưởng mức chiết khấu 23,6%, gia nhập sau thời gian đó, mức chiết khấu sẽ là 28,6%.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, anh Quang Hòa (ở Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), vừa mới tham gia lái Grab than vãn: “Mức chiết khấu 28,6% là quá cao. Lúc đầu, tôi nghĩ mức chiết khấu chỉ trên dưới 20% thôi. Chiết khấu đến gần 30% là quá bất công cho tài xế. Tôi vừa vay tiền mua xe chạy Grab, không biết tình hình này có trả nổi nợ không”. Anh Hòa cho biết, trước khi gia nhập Grab, anh đã tham khảo mức chiết khấu nhưng việc tăng chiết khấu đột ngột và không có sự thỏa thuận với lái xe khiến anh rất bức xúc. “Grab tự áp đặt tăng mức chiết khấu không tham vấn ý kiến tài xế. Chúng tôi chỉ hoạt động dựa trên hợp đồng với Grab, không ủy quyền cho Grab thu hộ thuế thu nhập cá nhân. Cớ sao Grab lại khấu trừ thuế của chúng tôi?”, anh Hòa nói.
Sự điều chỉnh tăng chiết khấu vừa rồi của Grab tuy không ảnh hưởng đến những tài xế cũ nhưng những lái xe có “thâm niên” cũng tỏ ra bất an. Anh Hồ Sỹ Thiên (ở khu tập thể C4, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng: “Thực tế mức chiết khấu 23,6% cả thuế như hiện nay với lái xe chúng tôi là cao quá rồi. Không thể lường được đến một ngày nào đó Grab sẽ lại tăng thêm mức chiết khấu".
Gần Tết, tài xế Grab, Uber than gặp khó. Ảnh: Hà Phương
Theo tìm hiểu, trước đây, mức chiết khấu của Grab là 20%, nhưng bắt đầu từ giữa tháng 12/2016, Grab yêu cầu "thu hộ" thuế của tài xế nên mức chiết khấu kèm thuế lên thành 23,6%. Con số chiết khấu đó là cao nếu như so sánh ở một số quốc gia Đông Nam Á mà Grab hoạt động (mức chiết khấu khởi điểm của GrabCar thường là 10%, trong khi tại Việt Nam thì mức này là 20%).
Với chiết khấu như hiện tại, mỗi ngày làm việc anh Thiên nhận được 700.000 đồng từ Grab. Trừ chi phí như đổ xăng, ăn uống... anh chỉ lãi 200.000 đồng. “Bỏ ra gần tỷ đồng mua ô tô, chạy cả ngày chỉ để nhận được số tiền từng đó thì quả là khó chấp nhận. Nhiều lái xe không kham nổi đã phải từ bỏ rồi”, anh Thiên nói. Điều khiến nhiều tài xế cảm thấy không thỏa đáng là Grab đơn phương tăng mức chiết khấu đối với tài xế mà không đưa ra bất cứ lý do nào.
Uber cấm hủy chuyến
Trong lúc Hà Nội cắm biển cấm Uber, Grab hoạt động tại 13 tuyến phố giờ cao điểm đã làm khó cho lái xe dùng phần mềm công nghệ thì Uber đề nghị các lái xe “hãy chấp nhận các yêu cầu gọi xe khi trực tuyến”, “hoàn thành tất cả các chuyến đi” nếu không sẽ bị khóa tài khoản. Giữa bối cảnh giới tài xế đang đề nghị giảm chiết khấu chưa được phản hồi thì việc Uber ra thêm yêu cầu “hãy chấp nhận các yêu cầu gọi xe” càng gây thêm khó khăn cho cộng đồng tài xế.
“Nếu khách đang ở tuyến phố cấm trong giờ cao điểm, chúng tôi không thể vào đón, phải hủy chuyến thì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng hay sao? Uber thừa hiểu điều này nhưng lại ra thêm quy định vô lý như vậy”, anh Huy - một tài xế Uber bức xúc.
Điều khiến tài xế Uber rất khó lường khi cho rằng khuyến cáo của Uber cũng chung chung, không nêu rõ tỷ lệ hủy chuyến bao nhiêu phần trăm thì khóa tài khoản, khiến họ khó xử lý các tình huống do khách quan tác động như khách đang ở tuyến phố bị cấm trong giờ cao điểm, hoặc khi đến nơi đón mới biết khách sẽ đi vào tuyến phố cấm, khách gọi xe ở cách xa vài km khi đường tắc...
“Thực tế, từ sau hôm áp dụng quy định này, tôi đã gặp phải những trường hợp khách đặt xe đi vào tuyến phố cấm, khi đó không còn cách nào khác là đành phải từ chối. Đó là chưa kể có những chuyến tôi phải đi đường vòng để tránh phố cấm, tốn xăng xe, đường đông đúc mệt mỏi mà thu nhập không được bao nhiêu. Hai quy định của thành phố và Công ty chồng chéo nhau thế này thì nếu thực hiện đúng, người lái xe hoặc bị phạt nặng, hoặc mất việc”, anh Huy nói.
Thực tế, nếu vi phạm quy định như Uber đề ra, nguy cơ sẽ có rất nhiều lái xe bị khóa tài khoản, mất việc làm. “Tết gần đến, ngoài việc phải trích từ trong thu nhập ra để trả nợ ngân hàng mua xe, ngoài việc trang trải cuộc sống thường ngày, còn phải dành dụm tiêu Tết. Vì vậy trước quy định chưa sát thực tế của Uber khiến lái xe vô cùng căng thẳng. Cuối năm là dịp cánh tài chúng tôi tăng nhuệ khí vì nhu cầu sử dụng xe cao nhưng với tình hình này thấy mình bị vắt kiệt sức lực, tinh thần và cả hầu bao nên rất nản", anh Nguyễn Anh Tuấn - một tài xế Uber, người đang chạy chiếc Hyundai i10 trả góp ngân hàng, cho biết.
Không chỉ là lo lắng của riêng anh Tuấn mà nhiều tài xế Uber hiện đang phải đi vay tiền mua xe cho hay, họ đã nhìn thấy nguy cơ mất việc, vỡ nợ ngay trước mắt. Không ít người tính chuyện chỉ chạy cố qua Tết "kiếm cho con nồi bánh chưng" rồi bán xe trả nợ ngân hàng, tìm công việc khác, vì chạy Uber, Grab không hề đem lại thu nhập cao như họ tưởng.
Chính thức thí điểm tại Việt Nam từ năm 2016, taxi Uber và Grab đã khẳng định nhiều tiện ích, như: Giúp khách hàng biết trước tuyến đường, chi phí cho chuyến đi; tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn chủ xe… Tưởng chừng như nó sẽ mở ra dịch vụ vận tải tối ưu với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này có không ít băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là phản đối loại hình vận tải mới này. Trước đó là về sự gia tăng số lượng xe tham gia các dịch vụ, khi chỉ sau 2 năm thí điểm, số lượng xe trên cả nước đã lên tới khoảng 50.000 chiếc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tăng nhanh số lượng xe đã phá vỡ quy hoạch taxi, thậm chí quy hoạch giao thông của nhiều địa phương; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống. Tiếp đó là sự khó khăn trong quản lý nộp thuế đối với loại hình dịch vụ vận tải Uber và Grab. Và bây giờ là nội tình chính trong các loại hình vận tải này khi câu chuyện lợi ích giữa công ty và lái xe chưa được đối thoại để có một thỏa thuận thỏa đáng. |