Tại sao không để Ngân hàng Xây dựng phá sản?

"Thà mất tiền để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu tuyên bố ngân hàng phá sản"

TS. Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch NHTMCP Đông Á (DongABank) bình luận về thương vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC) với giá 0 đồng/1 cổ phần và còn gọi đây là hình thức "cho ngân hàng phá sản kiểu mới".

Bởi lẽ, từ lâu trong giới tài chính ngân hàng đã biết tình trạng bết bát của VNBC và trong 2 lần tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào tháng 1/2015 để thông qua ý kiến cổ đông về chuyện tăng vốn nhưng đều bất thành.

Việc NHNN quốc hữu hóa VNBC ngoài chuyện 551 cổ đông của VNBC sẽ “trắng tay” thì “số phận” của thương hiệu Ngân hàng Xây dựng cũng đã được định đoạt. Đồng nghĩa, thương hiệu này sẽ biến mất khỏi thị trường ngân hàng.

Tại sao không để Ngân hàng Xây dựng phá sản? - 1

 Quyền lợi của hơn 500 cổ đông của VNBC chấm dứt, nhưng quyền lợi của người dân gửi tiền tại VNBC được NHNN đảm bảo

“Xóa một cái tên, một thương hiệu là việc cực chẳng đã, nhưng nếu thương hiệu đó xuống cấp,  không còn gì thì cũng không nên giữ lại. Từ đây, chúng ta có điều kiện xem xét, cơ cấu lại ngân hàng bằng cách thay đổi toàn bộ mô hình quản lý, quản trị của ngân hàng…. Và sẽ tính tới chuyện vực lại ngân hàng này khi có điều kiện, đủ “cứng cáp” trở lại” – ông Kiêm bình luận.

Liên quan tới tiền gửi của người dân tại VNBC, ông Kiêm cho hay, với các khoản đầu tư của cổ đông vào VNBC trước đây sẽ phải chịu theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”. Nghĩa là khi ngân hàng đã âm vốn, được NHNN mua lại với giá 0 đồng/cổ phần thì số 551 cổ đông này phải chịu thua lỗ trong bài toán đầu tư kinh doanh.

Còn với người dân gửi tiền tiết kiệm tại VNBC, theo Luật Bảo hiểm tiền gửi nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản. 

Nhưng khoản tiền bảo hiểm này cũng chỉ là sự bù đắp một phần nào, phần rủi ro còn lại người dân vẫn phải chịu.

"Trường hợp NHNN phải tính tới chuyện quốc hữu hóa một NHTMCP, dù là phương thức mới và thế giới đã làm, song cơ quan điều hành phải cân nhắc rất thận trọng trong từng trường hợp. Vì quốc hữu hóa là giải pháp khá tốn kém khi chi phí để xử lý nợ xấu, đảm bảo nguồn tiền trả cho người gửi tiền là không hề nhỏ. Chưa kể chi phí, trách nhiệm sự tham gia đóng góp của một NHTMCP Nhà nước được chỉ định giúp NHNN trong quá trình quốc hữu hóa các nhà băng nhỏ là không hề nhỏ", ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Chia sẻ trên báo chí, Phó Thống đốc NHNN ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định, việc NHNN quyết định mua lại VNBC với giá 0 đồng/1 cổ phần là nhằm mục đích “có tiền trả cho người dân”.

“Thà mất tiền (Nhà nước chi trả) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu tuyên bố ngân hàng phá sản, người dân mất tiền sẽ dẫn đến mất niềm tin mất, rồi gây bất ổn xã hội và nhiều hệ lụy khác. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại”- Phó thống đốc khẳng định.

Trong thông báo phát đi tối 2/2 của NHNN cũng khẳng định, việc NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC sẽ chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với 551 cổ đông hiện hữu của VNBC. Nhưng việc NHNN nắm quyền sở hữu VNBC và Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNBC giúp ngân hàng triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNBC sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

VNBC tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Năm 2010, TRUSTBank nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 19.762 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 302 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2009. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tháng 3/2013 TrustBank thay đổi thương hiệu, trở thành Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC) với 112 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Số lượng nhân viên của VNBC công bố ở thời điểm tháng 5/2013 là 1.500 người. Cùng với việc đổi tên trong thành phần cổ đông của VNBC cũng xuất hiện một tên tuổi mới chiếm phần lớn số vốn nhà băng này là Tập đoàn Thiên Thanh.

Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, VNBC rơi vào diện kiểm soát đặc biệt của NHNN và phải nhờ tới sự “trợ giúp” từ Vietcombank kể từ sau hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này rơi vào vòng lao lý hồi tháng 7/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN