Tại sao Google lại "nhường" thị trường Trung Quốc cho Amazon và Microsoft?
Dù hạ tầng phần mềm đang là ngành kinh doanh màu mỡ, Google chưa có ý định thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc để bước chân vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều rắc rối này.
Trong cuộc cạnh tranh với Amazon Web Service, Google đã mở trung tâm dữ liệu tại 4 nước khác ngoài Mỹ trong năm nay và có kế hoạch mở thêm 5 trung tâm nữa trước năm 2019. Tuy nhiên, một thị trường quan trọng lại không có mặt trong danh sách này, đó là Trung Quốc.
Diane Greene, Giám đốc khối kinh doanh dịch vụ đám mây của Google
Sự vắng mặt của Google, bắt nguồn từ những xung đột từ lâu với nền kinh tế thứ 2 thế giới, đang khiến ngành kinh doanh phần mềm và dịch vụ điện toán của gã khổng lồ này chịu không ít thiệt hại khi phải đối mặt với AWS và Azure của Microsoft trong cơn bão phát triển của hạ tầng điện toán đám mây.
Vào đầu năm nay, một trong những khách hàng lớn nhất của Google là Snap cho biết việc Google không có mặt tại thị trường Trung Quốc là một trong những lý do khiến Snap không thâm nhập được vào thị trường của đất nước tỉ dân. Và chỉ vài ngày sau đó, Snap đã công bố ngay một thỏa thuận với AWS. Còn Amazon đã mở trung tâm dữ liệu tại Bắc Kinh từ năm 2014.
Snap không đề cập đến vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận với AWS nhưng rõ ràng là ngành kinh doanh hạ tầng đám mây của Alphabet đang bỏ lỡ một trong những khu vực quan trọng nhất trong cơn bão phát triển của ngành công nghệ.
Theo công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghệ IDC (Mỹ), thị trường phần mềm và hạ tầng đám mây của Trung Quốc sẽ tăng hơn 4 lần từ 2,4 tỉ USD vào năm ngoái lên đến 9,8 tỉ USD vào năm 2021. Để được bước chân vào thị trường này, Amazon đã phải hợp tác với một công ty của Trung Quốc Beijing Sinnet Technology, tương tự như vậy, Microsoft hợp tác với 21Vianet và có 2 trung tâm đặt tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Nguyên nhân bởi chính phủ Trung Quốc không trao giấy phép xây dựng trung tâm dữ liệu cho công ty nước ngoài.
Alibaba, gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử, hiện dẫn đầu thị trường với doanh thu từ dịch vụ đám mây trong quý vừa rồi đã tăng gấp đôi lên mức 359 triệu USD. Các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc như Baidu và Tencent cũng đã phát triển dịch vụ đám mây.
Không có trung tâm dữ liệu tại đây, Google đang gặp phải bất lợi lớn khi cố gắng đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ và có nhu cầu lớn về dịch vụ đám mây để lưu trữ cũng như phát triển các phần mềm và ứng dụng. Trung tâm dữ liệu gần nhất của Google trong khu vực này được đặt tại Đài Loan và Singapore.
Trong khi đó, Amazon đang trong quá trình xây dựng trung tâm thứ 2 tại Ninh Hạ, Trung Quốc và một trung tâm nữa ở Hồng Kông.
Theo một khảo sát gần đây của Synergy Research, Google chỉ xếp thứ 4 trong số các công ty phát triển hạ tầng đám mây trên toàn cầu với 5% thị phần ít ỏi. Tuy nhiên, Google đang cố gắng bù đắp khoảng cách này bằng cách mở các trung tâm tại Ấn Độ và Brazil.
Google đang cố gắng mở rộng thị trường sang các nước khác để thu hẹp khoảng cách với đối thủ.