Tái cơ cấu kinh tế: "Chúng tôi thấy chậm"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng về tiến độ và chất lượng của việc tái cơ cấu nền kinh tế...
Trước hàng loạt chỉ trích cả trong lẫn ngoài Quốc hội về tiến độ và chất lượng của việc tái cơ cấu nền kinh tế, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, “thực sự chúng tôi thấy chậm”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay Chính phủ đã hoàn chỉnh và xin các bộ, ngành và địa phương để ngày 19/2 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế. Từ đó đến nay, đã ban hành một loạt các quyết định quan trọng, trong đó có nghị định về việc thành lập công ty xử lý nợ xấu.
Về phê duyệt đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong đó trọng tâm các tập đoàn nhà nước, đề án xử lý nợ xấu và một loạt đề án khác, ông Vinh nói “chúng tôi thấy nó tương đối chậm, thực sự chúng tôi thấy chậm”.
“Sự vào cuộc của các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp cũng còn chậm, cho nên Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ chỉ thị về việc phân công triển khai từng nhiệm vụ, từng đề án cho các bộ, ngành và các địa phương. Hiện nay đã trình lên Chính phủ. Tôi hy vọng trong kỳ họp này chúng ta sẽ có được chỉ thị đó để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các đề án này”, ông Vinh nói.
Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo và triển khai đề án tái cơ cấu, nhấn mạnh rằng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính cho đến tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99 trên tổng số 101 phương án tổng thể sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương.
Còn nếu tính từ cuối năm 2012, đến nay, các tập đoàn, tổng công ty 91 đã trình Thủ tướng đề án tái cấu trúc lại tổng công ty của mình, và tính đến ngày 20/5 thì đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty là đã được phê duyệt đề án.
“Có thể nói rằng hiện nay các tập đoàn, tổng công ty này đang dự thảo các nghị định, điều lệ để đổi mới hoàn thiện theo một mô hình mới”, ông nói.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Bộ trưởng Vinh nói “đã làm bước đầu, và cái này cũng đang còn phải tiếp tục”.
Trong khi đó, về tái cấu trúc đầu tư công, trên thực tế đã trình Chính phủ trước cả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đề án này lúc đó được trình cùng với Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, cho nên Thủ tướng cho rằng trong Chỉ thị 1792 bao hàm rất nhiều nội dung quan trọng về tái cấu trúc đầu tư công, do đó trước mắt đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ những giải pháp này và đề án đó thì sẽ nghiên cứu phê duyệt sau.
Từ đó đến nay, theo ông Vinh, mặc dù không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vấn đề tái cấu trúc đầu tư công đã có những diễn biến mới.
Chẳng hạn, đã giải quyết được mối quan hệ giữa phân cấp của quyền tự chủ lựa chọn các bố trí công trình của các bộ, ngành và địa phương với lại đảm bảo sự kiểm soát của trung ương. Trước đây cấp địa phương quyết định mà trung ương bố trí tiền cho nên đầu tư bị dàn trải ra rất nhiều.
Đến nay, sau hai năm thực hiện, Bộ trưởng Vinh muốn Quốc hội “chia vui” với kết quả là trong kế hoạch bố trí vốn 2013 thì 96,5% số vốn do Trung ương kiểm soát, tức là đã thực hiện đúng Chỉ thị 1792, nghĩa là bố trí tập trung, không dàn trải và theo thứ tự ưu tiên.
“Đấy là một nguyên tắc, một điều rất vui. Nếu tiếp tục như thế này, đến năm 2015 chúng ta có thể cơ bản chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải”, ông Vinh nói.
Mặt khác, đối với việc chuyển từ bố trí vốn đầu tư hàng năm sang bố trí kế hoạch trung hạn đầu tư phát triển từ 3 đến 5 năm, ngay khi vào nhiệm kỳ mới Quốc hội đã thông qua đề xuất không bố trí trái phiếu Chính phủ hàng năm, mà bố trí trái phiếu Chính phủ 4 năm liền, từ 2012 đến 2015.
Cho đến nay, Quốc hội đã thông qua danh mục của từng công trình bố trí trái phiếu Chính phủ cho 4 năm, qua đó các bộ, ngành, địa phương rất chủ động trong bố trí vốn và đến nay “có rất nhiều công trình sắp hoàn thành, không phải xin cho gì cả, bởi vì tất cả đã được thông qua Quốc hội”.
“Hiệu quả lớn nhất của việc này là tạo ra sự chủ động và sử dụng có hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương biết mình có bao nhiêu tiền trong mấy năm tới, họ sẽ không bố trí dàn trải, sẽ hạn chế đến mức tối đa cơ chế xin cho, và không cần phải đến xin cho. Theo tôi đây là điều ngăn chặn tham nhũng tiêu cực lớn nhất trong lĩnh vực này”, ông Vinh nhấn mạnh.