Tái cơ cấu kinh tế: Chính sách-Con người-Tiền

Trao đổi với PV, ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV VN cho rằng, để đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế phát huy được hiệu quả thì phải giải quyết được ba vấn đề chính: Chính sách - con người - tiền.

- Ông đánh giá thế nào về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh mà Chính phủ vừa trình Quốc hội?

Tôi thấy rằng đề án này hơi dàn trải và chưa chỉ ra được các yếu huyệt. Các giải pháp đưa ra cũng chưa đi vào trọng tâm, mũi nhọn, kể cả về hành lang pháp lý, về mô hình, cách thức triển khai…

- Vậy theo ông đâu là trọng tâm của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế?

Vấn đề lớn nhất hiện nay là đánh giá một cách chính xác thực tại nền kinh tế, từ đó mới có thể “bốc thuốc chữa bệnh”. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra, đó là: môi trường chính sách, hệ thống mô hình tổ chức và nguồn nhân lực.

Chúng ta muốn chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, khắc phục vấn đề sử dụng vốn nhiều, lao động nhiều, tài nguyên nhiều thì cần đảm bảo có sự thay đổi cơ bản về chất lượng. Những khuyết điểm cũng cần phải được phân biệt rõ cái nào mang tính tình thế, cái nào tích tụ từ lâu, kể cả trong định hướng đường lối, trong kết cấu hạ tầng, bố trí nhân sự… Từ đó có giải pháp riêng phù hợp.

Cần một khoản tiền không nhỏ để bù vào những tổn hại khi triển khai đề án tái cơ cấu.

Đối với giải pháp ngắn hạn, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI đã xác định ba lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu trong 5 năm tới, bao gồm: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, và tái cơ cấu DN nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn và TCty nhà nước. Nhưng đối với nội dung trọng tâm và lâu dài của tái cơ cấu kinh tế như định hướng mô hình phát triển, cơ cấu các thành phần và vùng miền là phải có đánh giá rất nghiêm túc và phải có phát hiện sâu sát những bất cập để đổi mới.

- Một vấn đề đang gây nhiều tranh luận hiện nay là có cần thiết phải “bơm” tiền để thực hiện tái cơ cấu kinh tế ? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Dứt khoát là phải cần đến tiền. Tiền để thực làm đề án đã đành nhưng cần một khoản tiền không nhỏ để bù vào những tổn hại khi triển khai đề án. Chẳng hạn, như cơ cấu lại ngân hàng thì phải giải quyết nợ xấu, giải quyết nợ không thu hồi được, giải quyết các đơn vị bị xóa sổ…

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu thì ba vấn đề mấu chốt cần phải được đặc biệt quan tâm là: định hướng môi trường và chính sách; công tác nhân sự và tiền.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN