Tái cơ cấu kinh tế: Chỉ có ’võ mồm’
"Nếu tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo kiểu ngồi chờ rồi ‘đánh trống bỏ dùi’ như hơn 2 năm qua thì chỉ tiêu phí nguồn lực của đất nước và tiền thuế của dân thôi".
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng góp ý về việc thực hiện Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế.
'Nếu làm chậm tái cấu trúc không phải đầy lùi nền kinh tế của Việt Nam 10 năm mà sẽ là 20 năm' - TS Nguyễn Văn Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng
Tái cơ cấu là đúng nhưng muộn
PV: - Thưa PGS, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế song có nhiều ý kiến cho rằng Đề án chưa thể hiện được sự quyết tâm tái cấu trúc thực sự. Vậy quan điểm của cá nhân ông như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Chủ trương tái cơ cấu cũng như xây dựng mô hình tăng trưởng mới thì đúng rồi, mặc dù là hơi muộn. Đáng ra cách đây 5-10 năm phải thực hiện công cuộc này.
Thế nhưng hơn 2 năm nay, đủ các nghị quyết, quyết định của Chính phủ nói về vấn đề này nhưng rồi cũng vẫn chỉ trên văn bản. Kể cả Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế được phê duyệt nhưng cũng mang tính chất ‘ra nghị quyết’ là chính. Trong khi đó khả năng sản xuất nghị quyết của Việt Nam thì rất là nổi trội, hay và hấp dẫn. Còn từ nghị quyết đến cuộc sống luôn là vực sâu chứ không phải là khoảng cách nữa. Vực sâu này lần này còn sâu hơn vì nó không đơn giản chỉ là lợi ích nhóm mà còn là nhận thức của hệ thống chính trị.
Tôi nghĩ rằng nhận thức chưa đủ độ và chưa thấy tính cấp bách của nó. Chưa thấy sự quyết tâm, cụ thể hóa để thực hiện chủ trương này.
Chúng ta đang bị sa lầy vào những cuộc vận động khác lớn hơn, hút nhiều nguồn lực hơn so với việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
PV: - Theo ông số liệu làm cơ sở để giải bài toán tái cấu trúc kinh tế là gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đổi mới tốc độ tăng trưởng từ 7-8% kéo dài được 10 đến 15 năm nhưng kể từ năm thứ 20 trở đi (tức là từ năm 2006 trở lại đây) tốc độ tụt xuống chỉ còn 4-5%. Động lực về đổi mới, tăng trưởng đã hết. Rõ ràng nếu không cải cách thì có tụt lùi.
Những bất ổn kinh tế ngày càng dồn dập. Hết lạm phát rồi đến suy giảm, trì trệ khiến nền kinh tế sa lầy vào rất nhiều bất ổn. Những điều này đủ để chứng minh nếu cứ tiếp tục duy trì mô hình cũ thì kinh tế không còn đường để phát triển.
Không có gì cụ thể...
PV: - Muốn tái cấu trúc cả một nền kinh tế không thể không giải quyết các lĩnh vực quan trọng: giải quyết hậu quả của sai lầm trước (thua lỗ triền miên, khủng hoảng....) như vinashin, vinalines, than khoáng sản, điện lực... và bắt buộc phải tính toán nợ công. Theo ông, thì ở các mảng này sẽ phải tái cơ cấu như thế nào mới có hiệu quả trong thực tế?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Những điểm ‘huyệt’ Nghị quyết cũng đã chỉ ra đó là tài chính ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước… Ba mảng này thực tế chưa làm được gì rõ ràng. Tất cả mới được phần đầu Nghị quyết quyết tâm chỉ ra hướng đi. Bây giờ phải đặt ra lộ trình cụ thể như 3 năm làm được gì, 5 năm phải làm được gì. Nếu không cụ thể và tập trung nguồn lực thì sẽ không thể thành công được.
Ngay cả quan điểm của nhiều lãnh đạo chủ chốt cũng thấy mỗi người theo một ý. Chưa thấy sự đồng lòng để từ đó vận động hay bắt buộc các địa phương phải thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình.
Đáng ra mọi ngành, mọi cấp phải tập trung tìm ra con đường để tái cấu trúc và tìm lối thoát.
Phải là ‘võ thật’ chứ không phải ‘võ mồm’!
PV: - Vậy ông có hiến kế gì để công cuộc tái cấu trúc thành công?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Tôi nghĩ rằng bản thân đội ngũ lãnh đạo phải dồn toàn lực vào công cuộc này. Phải chỉ ra cụ thể ngân hàng làm gì, xử lý những ngân hàng nào chứ không ngồi chờ các ngân hàng tự quyết định. Thị trường tín dụng cũng cứ ngồi chờ từ từ từng bước. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính mà không có biện pháp kinh tế căn bản nào thì đó chưa phải là tư tưởng của tái cơ cấu.
Nếu thực sự muốn tái cấu trúc ngành ngân hàng thì phải tìm cách lập lại thị trường tiền tệ theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.
Không thể để kiểu như doanh nghiệp nhà nước, ngoài đề án chung, còn duyệt mấy chục đề án của tập đoàn rồi lập ban nọ, ban kia giống như Vinashin để rồi mấy năm sau nói rằng vẫn chưa làm được gì. Những trò này gọi là ‘đánh trống bỏ dùi’ ‘khua chiêng gõ mõ’ cho oai chứ thực chất là chẳng làm gì. Sau 3 năm, không chỉ riêng Vinashin mà có hẳn một Ban riêng được lập ra song không làm được thì nói gì đến tập đoàn khác. Như vậy tất cả chỉ là ‘võ mồm’ hết chứ không có ‘võ thật’.
Theo tôi, muốn quyết tâm làm thật thì phải có võ thật. Cần quyết tâm của cả hệ thống nhưng phải biến thành hành động cụ thể. Chỉ cần làm một việc nhưng làm cho bằng được thì mới hy vọng có sự biến chuyển.
Nhưng ở Việt Nam khổ nỗi từ cái mồm đến cái tay là một vực sâu chứ không phải là khoảng cách nữa. Kiểu nói mà không làm ở Việt Nam là một cố tật rồi.
PV: - Vậy theo ông kịch bản nào sẽ xảy ra khi công cuộc tái cấu trúc theo kiểu ‘đánh trồng bỏ dùi’ và dậm châm tại chỗ như hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đương nhiên là nền kinh tế sẽ tiếp tục suy sụp. Tình trạng ngân hàng cứ theo kiểu hết bày trò nọ đến trò kia thì cũng chỉ là vá víu bề ngoài còn bên trong thì hỏng. Còn doanh nghiệp nhà nước thì vẫn là những ung nhọt không thể tự xử lý được. Đầu tư công vẫn là chỗ chia chác, lợi ích nhóm.
Tất cả những điều này tiếp tục tiếp diễn thì chỉ tiêu phí nguồn lực của đất nước và tiền thuế của dân thôi.
Nếu làm chậm không phải đầy lùi nền kinh tế của Việt Nam 10 năm mà sẽ là 20 năm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nhiều biểu hiện khác nhau của lợi ích nhóm
Lợi ích nhóm là cản trở lớn đến mức Tổng Bí thư cũng đã nói. Thể hiện rất nhiều khác nhau. Ngay như trong cải cách ngân hàng, nói như ông Nguyễn Bá Thanh, ngân hàng dính líu đến bất động sản theo kiểu nhà hoặc mảnh đất đáng giá 100 tỷ đồng thì định giá thành 1.000 tỷ đồng để cho vay đội lên. Bây giờ những món đã vay trội lên lại không thể đòi nổi hoặc có bán mảnh đất đó đi cũng không thể nào đạt cái giá 1.000 tỷ đồng để trả. Chỉ như vậy đã là cản trở thành ra cải cách ngân hàng là khó vì ngân hàng dính líu đến rất nhiều các dự án không có hiệu quả cao. Kể cả cho vay bất động sản trong khi bất động sản đang đóng băng như vậy. Nếu muốn cải cách thật mạnh thì những người đã dính líu trong cuộc đó phải chấp nhận bị mất lần này chứ không thể đòi được trả đúng giá như đã khai vống lên lúc đầu. Nếu họ không chấp nhận như vậy thì không thể cải cách được. Bởi vì những nhóm này họ theo đuổi những lợi ích rất cao nhưng lại không muốn mất đi một chút gì thì quá khó. Bây giờ lĩnh vực ngân hàng cũng đang lúng túng. Ngay cả có huy động được thêm tiền thì cũng không cho vay ra được. Đối với các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vì lãi suất quá cao và điều kiện vay ngặt nghèo. Bất động sản thì rất rõ vì họ chỉ chờ để cầu cứu nhà nước. Gói 30.000 tỷ vẫn đang được chờ đợi xem ai sẽ là người nhận được nó. Thậm chí họ còn chờ đợi xem nhà nước có cấp thêm được không chứ không chịu hạ giá nhà xuống. |