Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước quá ì ạch!

Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) ngày 31-10, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng trong ba nội dung lớn cần tập trung tái cơ cấu (tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; đầu tư công; DNNN mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty) thì tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước là có nhiều trăn trở và thực hiện ì ạch nhất.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng nhìn nhận với cách làm như hiện nay sẽ không đạt kết quả như kỳ vọng. “Tôi đề nghị trước tiên cần thay đổi lại cách tiếp cận, phải đi từ trên xuống dưới, từ tổng thể tới chi tiết chứ không làm ngược lại. Cần tìm ra động lực đủ mạnh để thúc đẩy được tiến trình này. Trong khi chờ đợi sự đột phá này cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN. Chính phủ nên hỗ trợ ở tầm vĩ mô cho các DN lớn để các DN đó đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế, không nên trao cơ chế độc quyền hay những ưu ái đặc biệt cho bất cứ DN nào” - ông Đồng nhấn mạnh.

Theo ĐB này, không cần thiết đặt mục tiêu tất cả DNNN đều phải hoành tráng. Không nên quá ưu ái bơm tiền vào những DNNN đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán mà nên dùng ưu ái đó cho những DN đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển KTXH cho dù DN đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào.

“Chúng ta sốt ruột với tiến triển còn rất chậm của ba nội dung tái cơ cấu quan trọng và ba đột phá chiến lược. Tái cơ cấu càng chậm, kinh tế đất nước càng nhanh tụt hậu. Ba đột phá chiến lược không tiến triển nhanh thì những điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế vẫn còn đó và càng đẩy nhanh sự tụt hậu. Nhưng rào cản nào là nguyên nhân chủ yếu của sự trì trệ này. Theo tôi, nên lưu ý khắc phục rào cản về tổ chức thực hiện, rào cản về nhận thức lẫn rào cản do lợi ích cục bộ, nhất là lợi ích nhóm” - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cảnh báo.

ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng việc đổi mới thể chế kinh tế phụ thuộc nhiều việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và xem xét một số dự án luật có tác động trực tiếp đến tái cơ cấu nền kinh tế. “Các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực gia tăng, đòi hỏi chúng ta nhất thiết phải có sự đột phá về thể chế. Sau kỳ họp QH này, triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chuyển biến ấy” - ĐB Đồng nhấn mạnh.

Đã tăng cường được những nhân tố ổn định

Đánh giá về tình hình KTXH năm 2013, nhiều ĐBQH đánh giá chúng ta đã tăng cường được những nhân tố ổn định vĩ mô, thể hiện rất rõ trên vấn đề kiểm soát lạm phát, từng bước ổn định thị trường tiền tệ qua các chính sách.

Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo, bám sát mục tiêu kinh tế vĩ mô, áp dụng nhiều giải pháp để tăng tổng cầu, kích thích phục hồi tăng trưởng, từng bước triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý điểm nghẽn của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, xử lý hàng tồn kho, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho sản phẩm bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, áp dụng biện pháp đặc biệt cho vay tăng vốn tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay xử lý nợ xấu…

Đ.MINH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T. Hằng (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN