Tái cơ cấu: Chiếc xe ở ngã ba đường?

Các chuyên gia khẳng định, sau một năm nhìn lại, những vấn đề lớn của nền kinh tế chưa được giải quyết như phá băng thị trường bất động sản, bao giờ lãi suất hạ, giải quyết nợ xấu ra sao... Những vấn đề này đang khiến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế rơi vào trạng thái luẩn quẩn.

Mới xử lý từ ngọn

Theo các chuyên gia, đến nay sau một năm nhìn lại, các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa có hướng tạo ra cách làm mới để cơ cấu lại và sử dụng tốt hơn các nguồn lực và tài sản xã hội. Đâu đó có biểu hiện dung dưỡng, che chắn cho một số doanh nghiệp mà chính họ là những tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế (CIEM) cho rằng, việc hỗ trợ, “cứu” doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, cũng như các giải pháp tạm thời như giãn, hoãn nộp thuế TNDN, thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất, cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội trong thời gian qua… về bản chất không khác nhiều so với nhiều giải pháp đã thực hiện trước năm 2011.

Theo ông Cung, những biện pháp này mới chỉ xử lý vấn đề “ngọn”, không phải vấn đề gốc do cách làm vẫn là “Nhà nước dẫn dắt”, vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế.

Tái cơ cấu: Chiếc xe ở ngã ba đường? - 1

Các doanh nghiệp vẫn đang vật lộn để tồn tại qua thời khó.

Các biện pháp trên thiên về hành chính, hơn là thị trường, không thấy động lực mới, không thấy “hy sinh, đánh đổi”, không thấy cạnh tranh, không thấy trách nhiệm giải trình buộc những doanh nghiệp, nhà đầu tư có sai lầm phải trả giá cho những sai lầm đó của họ...

Rõ ràng, các giải pháp này sẽ không thành công như mong đợi cả về ngắn hạn và dài hạn mà ngược lại, có thể chỉ kéo dài thêm tình trạng trì trệ của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Nó không tạo cơ hội chuyển tài sản chết thành “vốn sống và lưu chuyển” mà chỉ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Xem xét các giải pháp xử lý nợ xấu cho đến nay, tôi thấy nợ xấu được xử lý theo các biện pháp nghiệp vụ, hành chính nhiều hơn là chuyển khối tài sản thế chấp thành vốn và chuyển vào các mục đích sản xuất, kinh doanh. Các phương án xử lý mới chú ý nhiều đến làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng, chưa chú ý giải phóng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng có thể tuyên bố hay báo cáo đã hoàn thành xử lý nợ xấu nhưng gánh nặng nợ đối với doanh nghiệp có thể vẫn còn nguyên. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được tín dụng, chưa thể khôi phục lại hoạt động bình thường như mong muốn. Như vậy, mục đích xử lý nợ xấu có thể chưa đạt được” - ông Cung phân tích.

Công khai thông tin như DN niêm yết

Tái cơ cấu: Chiếc xe ở ngã ba đường? - 2

Kỳ vọng ngân hàng hạ lãi suất cho vay vẫn còn xa.

TS Trần Du Lịch cho rằng, trong những vấn đề xấu cần giải quyết của nền kinh tế có không ít ”đóng góp” của khối doanh nghiệp nhà nước. Việc các doanh nghiệp đổ xô đầu tư ngoài ngành, đầu tư quá mức vào bất động sản, chứng khoán trong những năm qua… là minh chứng rõ nét về sự thất bại của thị trường trong việc phân bố nguồn vốn đầu tư, làm méo mó thị trường, lãng phí nguồn lực xã hội.

Để cải tổ hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Lịch, trong thời gian tới, Chính phủ không nên bảo lãnh tín dụng hoặc cho vay chỉ định đối với các doanh nghiệp nhà nước; phải buộc tất cả các doanh nghiệp huy động vốn qua cơ chế thị trường.

Cùng đó, cần có quy định buộc tất cả các tập đoàn và tổng Cty nhà nước phải công bố thông tin như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Tôi cho rằng với lượng doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ cổ phần hóa cần tổ chức 3 tổng Cty quản lý kinh doanh vốn nhà nước theo mô hình công ty đầu tư tài chính, hoạt động như một công ty công cộng.

Cùng đó thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của nhà nước. Trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế “chủ quản” hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội” - ông Lịch đề xuất.

Chiếc xe ở ngã ba đường

“Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu, phải rẽ sang xa lộ khác, nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường dốc gập ghềnh và khúc khuỷu trong khi người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng vượt dốc”

TS Nguyễn đình Cung

Theo TS Cung, trong tái cơ cấu hiện nay, hình như vẫn còn chần chừ, do dự ở các bộ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, muốn níu kéo lại những gì đã có. Chưa có những cải cách đáng kể, thực sự theo cơ chế thị trường và hội nhập. Tuy đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng nền kinh tế chưa có động lực mới.

“Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu, phải rẽ sang xa lộ khác, nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường dốc gập ghềnh và khúc khuỷu trong khi người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng vượt dốc”- ông Cung chia sẻ.

Theo TS Tô Ánh Dương (Viện Kinh tế Việt Nam), những kết quả đạt được ban đầu sau một năm tái cơ cấu ngân hàng còn ít hiệu quả vì chưa có được các cải tổ toàn diện như kỳ vọng. Trong khi rủi ro hệ thống vẫn còn tồn tại cùng với việc một cuộc khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của vấn đề nợ xấu.

“Vấn đề quan trọng là chi phí tái cơ cấu là bao nhiêu và lấy từ những nguồn lực nào thì chưa được chỉ rõ. Các chi phí liên quan tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ là lớn, vì hệ thống ngân hàng của Việt Nam là một trong những hệ thống lớn nhất trong số các nước có cùng hạng điểm tín nhiệm như Việt Nam.

Nguồn tiền ở đâu để NHNN cấp thanh khoản hay hỗ trợ các ngân hàng yếu kém cũng là vấn đề chưa rõ khi mà chính cơ quan quản lý tài chính của Chính phủ là Bộ Tài chính cũng không xác định được Quỹ dành cho tái cơ cấu là bao nhiêu”, ông Dương nói.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân tổ chức đầu tháng Tư vừa qua, TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có một số vấn đề đáng chú ý hiện nay đó là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào khu vực ngân hàng. Trong khi tổng tài sản hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng nhanh trong những năm qua, nhưng rất không đồng đều giữa các khối và chứa đựng yếu tố “tăng ảo”. Điều này thể hiện khá rõ khi những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 có sự suy giảm của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm các NHTM cổ phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN