Tái cấu trúc TTCK: Đến lúc mạnh tay?
Những động thái mới nhất cho thấy, việc chấn chỉnh và tái cơ cấu thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó việc tái cơ cấu các công ty chứng khoán (CTCK) đã đến lúc làm thật. Bây giờ vấn đề có lẽ chỉ còn là thời gian và sự vững tay của các cơ quan chức năng.
Sát tay với những sai phạm
Chiều muộn ngày 24/10, một thông tin không có nhiều tác động đến thị trường nhưng lại được giới quan sát đánh giá rất quan trọng là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định đình chỉ hoạt động Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội (HSSC) trong vòng 6 tháng.
Đây là CTCK đầu tiên bị đình chỉ hoạt động và là 1 trong 7 CTCK đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
Sau đình chỉ, các CTCK cần 3 tháng liên tục đạt được tỷ lệ vốn khả dụng trên 180% mới thoát hiểm, không có thể sẽ sáp nhập, giải thể, phá sản, hoặc có thể bị rút giấy phép hoạt động nếu các văn bản pháp luật được sửa đổi theo hướng tách 2 giấy phép hoạt động và thành lập của CTCK.
Trên thực tế, thông tin này không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của các nhà đầu tư bởi tình hình hoạt động của CTCK này đã được biết đến cả năm nay. Doanh nghiệp này gần như đã không hoạt động từ trước Tết âm lịch sau khi rút khỏi trụ sở chính, rút nghiệp vụ môi giới, thua lỗ 3 năm liên tiếp 2008-2010 và cụt gần hết vốn.
Mặc dù vậy, quyết định đình chỉ này có lẽ là bước đi mạnh mẽ bước đầu cho quá trình thanh lọc các CTCK, trong đó có rất nhiều đơn vị thua lỗ 4-5 năm liên tiếp và nhiều doanh nghiệp gần như đã trong tình trạng chết lâm sàng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định đình chỉ hoạt động Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội (HSSC) trong vòng 6 tháng (Ảnh minh họa).
Trước đó, hồi giữa tháng 9, UBCK cũng đã có 1 động thái mạnh mẽ chấn chỉnh thị trường với quyết định xử phạt CTCK đầu tiên về hành vi cho khách hàng vay chứng khoán để bán khống.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE) đã bị xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng đối với sai phạm nói trên. Ngoài ra, DNSE còn bị phạt 100 triệu đồng do thực hiện tự doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép.
Đây là 1 bước chuyển biến lớn bởi những giao dịch mua bán khống được cho là diễn ra ngấm ngầm nhưng sôi động trong nhiều năm qua. Sau DNSE, hồi giữa tháng 10, UBCK cũng đã xử phạt Công ty Chứng khoán HSC và 2 nhân viên tổng cộng 275 triệu đồng vì bán khống chứng khoán.
UBCK cũng cảnh báo, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, cơ quan này sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về hành vi thao túng giá chứng khoán, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt lên đến 400-500 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi mà có.
Làm mạnh tay?
Trước đây, Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cũng đã cho biết, việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán, trọng tâm là tái cấu trúc khối CTCK theo hướng giảm số lượng công ty đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam.
Việc giảm bao nhiêu, lộ trình giảm như thế nào và xử lý hậu quả ra sao… không được các cơ quan chức năng đề cập rõ và nó luôn khiến các nhà đầu tư hoài nghi về quá trình tái cơ cấu TTCK nói chung và CTCK nói riêng sẽ thực sự bắt đầu khi nào và có tái cấu trúc thực sự hay không. Một lý do rất đơn giản được các nhà đầu tư đưa ra là vì họ nhận thấy có rất nhiều CTCK làm ăn thua lỗ bê bết, vốn cụt sắp hết, có khi chỉ còn nằm thoi thóp giữ cái giấy phép kinh doanh… nhưng số lượng đơn vị bị đưa vào kiểm soát rất khiêm tốn. Thậm chí, gần đây, ngày 15/10 vừa qua, 2 CTCK là Vina và Đà Nẵng đã được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Ngay cả cho tới thời điểm hiện tại, quy mô TTCK về mặt giá trị vẫn còn rất nhỏ bé nhưng lượng hàng hóa và số lượng các CTCK tham gia thị trường lại quá nhiều, tương ứng là trên 700 công ty niêm yết và 105 CTCK. Hiện tượng lên sàn ồ ạt của các doanh nghiệp cũng như các CTCK đã gây ra tình trạng rối loạn, thật giả tốt xấu lẫn lộn, gây ra tình trạng mất niềm tin đối với các nhà đầu tư trong nhiều năm qua. Việc tái cấu trúc đã được đồng thuận ở mức cao nhưng câu hỏi đặt ra là, khi nào sự thanh lọc mới bắt đầu?
Những tín hiệu trong khoảng hơn 1 tháng qua cho thấy, sau nhiều năm tháng im ắng, các cơ quan chức năng đã có phản ứng khá mạnh với các trường hợp vi phạm nói trên. Kết quả tiếp theo sau sẽ là gì vẫn cần thời gian trả lời. Nhưng rõ ràng, những quyết định xử phạt nói trên đã có tác dụng nhất định. Nó cho thấy 1 sự chuyển biến rất lớn trong quá trình sàng lọc, nâng cao chất lượng thành viên cũng như sự công bằng trên TTCK.
Đề cập tới vấn đề này, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại khóa họp XIII về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 cũng đã nêu rõ công tác tái cấu trúc TTCK bước đầu được triển khai với việc rà soát các báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính, phân loại các CTCK để có các giải pháp xử lý.
Theo đó, cho tới thời điểm này, đã có 5 công ty khoán cơ bản hoàn tất việc rút nghiệp vụ môi giới, 7 CTCK được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, 20 công ty chứng khoán được kiểm tra định kỳ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK sẽ được xử lý kịp thời, đảm bảo cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch và an toàn.
Hiện tại, mặc dù Chính phủ chưa ban hành chính thức Đề án Tái cấu trúc TTCK nhưng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 262 về Tái cấu trúc các CTCK. Đây là 1 cở sở để các cơ quan chức năng tiến hành xử lý những vi phạm thuộc thẩm quyền.
Liên quan tới vấn đề hình sự hóa các sai phạm của các CTCK, 1 đại diện của UBCK gần đây cho biết, có nhiều trường hợp, trong đó các hành vi như sử dụng trái phép tài khoản và tiền từ tài khoản của nhà đầu tư là hành vi sai phạm nghiêm trọng, xói mòn niềm tin của thị trường. Các hành vi này, theo Nghị định 85, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu nghiêm trọng hơn là rút giấy phép kinh doanh của CTCK đó, thậm chí bị xử lý hình sự nếu không bồi hoàn được thiệt hại cho nhà đầu tư và nhà đầu tư có đơn kiện.
Rất có thể, những động thái tích cực nói trên là kết quả ban đầu của quá trình tái cấu trúc và những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong thời gian gần 1 năm qua. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, điều quan trọng là việc phân loại, sàng lọc và đưa ra các giải pháp xử lý có lẽ cần được thực hiện bài bản, đều đặn, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi.