Tái cấu trúc, ngân hàng sợ đau?

Việc NHNN hạ trần lãi suất, hút tiền về, giống như rút nước khỏi ao, khiến NHTM - những con cá "quẫy" mạnh. Cá nào vượt được vũ môn, cá nào không đang dần lộ diện?

Trước sức ép khi liên tục có ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động lên cao, ngày 21/6/2012, NHNN đã phải ra văn bản (văn bản số 3772/NHNN-CSTT) chấn chỉnh. Câu chuyện ở đây là, không có lửa làm sao có khói!

"Làm phép" bằng... văn bản

Rõ ràng trên thị trường huy động vốn lại xảy ra tình trạng đi đêm, lách luật nên NHNN mới phải "thị uy" bằng văn bản nói trên. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên NHNN ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động huy động vốn của NHTM. Và gần đây những văn bản chấn chỉnh kiểu này của NHNN cũng hơi nhiều, khiến cho mọi người có cảm giác cơ quan này ban hành văn bản chỉ để... "làm phép". Sự biến động nhanh của lãi suất huy động lần này cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống NHTM không tốt như NHNN vẫn tuyên bố. Và kịch bản vẫn như trước đây: ban đầu là NHTM nhỏ nào đó khơi mào cuộc đua (lần này là Westernbank với lãi suất cao nhất là 14%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng). Sau đó hàng loạt NHTMCP khác, cả lớn lẫn nhỏ, nâng theo. Nếu thực sự dư thừa vốn, tại sao ngay cả ACB, Techcombank và một số NHTM được cho là lớn khác phải vội vàng nâng lãi suất huy động lên? Vậy câu hỏi nữa được đặt ra là: số tiền 180 nghìn tỷ đồng được NHNN tung ra để mua USD đã đi đâu, khi số liệu thống kê lại cho thấy tín dụng tăng trưởng âm (tính đến 30/4/2012 tổng tín dụng hệ thống ngân hàng là 2.617.320 tỷ đồng, giảm 0,59% so với cuối năm 2011). Số tiền này đã được hút về khá nhiều qua việc NHNN phát hành tín phiếu và qua thị trường mở - OMO (khoảng 120-140 nghìn tỷ đồng).

Vào ngày 21/6/2012, NHNN ban hành quy định mới về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá. Trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng đi vay không được có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch liên ngân hàng từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch. Việc thực hiện giao dịch phải thông qua mạng giao dịch điện tử của NHNN hoặc của các tổ chức cung ứng dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền cho phép… Như vậy, NHNN đang siết lại giao dịch vốn trên thị trường II. Thiếu hụt thanh khoản, nếu không vay được vốn trên thị trường II, NHTM sẽ phải đẩy lãi suất huy động trên thị trường I lên cao để hút được vốn. Hành động này sẽ khiến họ - những con cá yếu bị lộ! Như vậy, cùng với những kẻ đã lộ (nằm trong danh sách 9 ngân hàng phải xử lý mà NHNN đã nói), tới đây sẽ có những NHTM yếu kém khác lộ diện.

Cuối năm 2011, đầu năm 2012, NHNN cũng đã từng dùng việc bơm hút vốn để khiến các NHTM yếu kém lộ diện. Nhưng một quan chức NHNN cũng cảnh báo: hút nước ra, để thấy con cá nào yếu, cá nào khỏe rồi phải bơm lại nước, nếu không có nguy cơ cá khỏe cũng "chết". Vậy, hiệu quả của "phép thử" này phụ thuộc khá nhiều vào thời gian để "nước cạn" của NHNN. Liệu NHNN có quyết tâm gạt bỏ những thành phần ốm yếu trong hệ thống?

Tái cấu trúc, ngân hàng sợ đau? - 1

Việc NHNN chậm trễ trong xử lý các NHTM yếu kém có phải vì "bỏ thì thương, vương thì tội"? (Ảnh minh họa).

Ai vượt được vũ môn?

Các NHTM nhà nước không tham gia vào cuộc đua đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên cao. Song, những con số thống kê mà NHNN vừa đưa ra rất đáng chú ý. Thứ nhất, trong các khối ngân hàng, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất: 32,54%; khối NHTMCP là 14,2%; trong khi của khối NHTM nhà nước là 10,8%.

Thứ hai, về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động: khối NHTM nhà nước là 107,8%; trong khi khối NHTMCP là 77,6%. Theo Thông tư số 22/2011/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011), các tổ chức tín dụng không bị giới hạn về tỷ lệ này; mặc dù trước đó để an toàn NHNN đã quy định tỷ lệ này của các NHTM là không quá 80%. Từ số liệu này có thể thấy, tăng trưởng tín dụng những tháng qua chủ yếu từ khối các NHTM nhà nước. Các NHTMCP vốn yếu về tiềm lực vốn, tất nhiên, không thể cạnh tranh bằng cho vay với lãi suất thấp; mà giờ lấy đâu ra khách hàng có khả năng chịu được lãi suất cao.

Thứ ba, NHNN hô hào đưa vốn vào sản xuất, cho những lĩnh vực ưu tiên như tam nông, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…Thế nhưng, số liệu thống kê từ NHNN cũng cho thấy 4 tháng đầu năm dư nợ cho vay khối nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 231,158 tỷ đồng, giảm 0,54% so với cuối năm 2011. Trong khi đó hoạt động kinh doanh bất động sản, tưởng như bất động, nhưng tín dụng cho khu vực này vẫn tăng 4,83% (151.678 tỷ đồng); tín dụng cho xây dựng, dù âm so với cuối năm 2011 nhưng cũng được rót đến 233.889 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, vốn ngân hàng vẫn hỗ trợ cho bất động sản khá nhiều, có thể chủ yếu từ các NHTMCP. Lý do là lãi suất cho vay đối tượng này thường cao hơn mức thông thường. Từ đó có thể thấy, đang có sự phân chia ngày càng rõ rệt hơn trong hệ thống ngân hàng. Sẽ không còn lâu nữa, lúc mà các ngân hàng sẽ phải xác định phân khúc thị trường chính của mình để mà chuyên tâm canh tác. NHTM nào yếu, nếu không hợp lực sẽ bị rớt đài. Phải chăng đây chính là toan tính của NHNN trong tái cơ cấu ngành?

Thống kê đến 31/12/2011, hệ thống NHTM (chỉ tính NHTM nhà nước và khối cổ phần) là 40 ngân hàng. Xin nhắc lại là tháng 6 chính là thời hạn mà NHNN đưa ra để xử lý "mươi" NHTMCP có vấn đề. Nếu trừ đi 3 ngân hàng đã bị sáp nhập thì hiện toàn hệ thống còn 38 NHTM. Nhưng con số "mươi" đó chắc chắn chưa kể trường hợp của SHB và HABUBANK - những ngân hàng vừa được NHNN cho phép tự nguyện đến với nhau. Vậy tới đây sẽ còn bao nhiêu trường hợp tự nguyện nữa? Con số các NHTM sẽ còn lại bao nhiêu sau đợt tái cơ cấu này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng: chỉ cần 1/3 số NHTM hiện nay là vừa!

Tuy nhiên, nhiều hay ít ngân hàng chưa phải là vấn đề chính. Vấn đề là sức khỏe của các ngân hàng như thế nào. Việc NHNN chậm trễ trong xử lý các NHTM yếu kém có phải vì "bỏ thì thương, vương thì tội"? Nếu còn sợ đau, sợ đụng chạm thì có tái cấu trúc xong rồi hệ thống vẫn âm ỉ "đau" như cũ.

Theo Quyết định số 3739/NHNN - CSTT, NHNN yêu cầu các NHTM áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay...; chủ động phối hợp với khách hàng trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, NHNN yêu cầu NHTM xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN