Tái cấu trúc ngân hàng: Không chừa 'ông lớn'

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngoài 9 ngân hàng thương mại yếu kém đang được tái cơ cấu, NHNN đang đánh giá, xác định thêm 8 Tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và đưa vào diện tái cơ cấu. Trên thực tế, đúng là hệ thống ngân hàng đang rơi vào trạng thái rất khó khăn, lùi xa thời hoàng kim.

Hậu tăng trưởng nóng

Trước đây, tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế mỗi năm lên đến 30-40% làm cho ngành ngân hàng trở nên đặc biệt hấp dẫn. Ngoài ra, đối với các ông chủ của nhà băng thì sức hấp dẫn của nó còn đến từ việc có thể “tùy ý” sử dụng nguồn vốn khổng lồ từ các ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình.

Thực tế, rất nhiều ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc, thu được lợi nhuận cao trong giai đoạn này như Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank, Vietcombank, Eximbank, Đông Á… Quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu tăng hàng chục lần chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, cùng với đó là những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng cũng ngày càng trầm trọng và lộ diện.

Tái cấu trúc ngân hàng: Không chừa 'ông lớn' - 1

Giai đoạn này, “yếu” hay “khỏe” ngân hàng cũng phải làm mới mình Ảnh: Ngọc Châu.

Sở hữu chéo chằng chịt giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng lớn và dần mất khả năng kiểm soát. Một tỷ lệ rất lớn tài sản, vốn chủ sở hữu ngân hàng là vốn ảo do các ngân hàng sở hữu và cho vay chéo lẫn nhau.

 “Kinh doanh ngân hàng bây giờ như người nông dân phải cần cù cày cuốc. Cái thời ngân hàng có thể dễ dàng kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh vàng, trái phiếu, cổ phiếu và hưởng biên lợi nhuận lớn từ việc huy động và cho vay đã qua rồi.” 

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch ngân hàng Eximbank

Ngoài ra, nhiều cổ đông lớn của ngân hàng còn sử dụng ngân hàng như sân sau cung cấp vốn cho các doanh nghiệp của mình. Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên - thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và là cổ đông lớn của ngân hàng này rút hàng chục nghìn tỷ đồng từ ACB và các ngân hàng khác cho các công ty sân sau không phải là trường hợp cá biệt.

Hoặc trường hợp Ngân hàng Phương Tây và một loạt ngân hàng khác cũng cho cổ đông nội bộ vay vượt quá tỷ lệ quy định.

Sau cú sốc khủng hoảng kinh tế và tài chính thời gian qua thì thời hoàng kim của các ngân hàng có lẽ không còn. Tăng trưởng tín dụng trong 3 năm qua chỉ ì ạch quanh mức 10%. Lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đã có đơn vị bị thua lỗ.

Không chỉ có vậy, nợ xấu đang là một gánh nặng rất lớn đối với hệ thống tín dụng. Báo cáo của các TCTD cho thấy nợ xấu đến tháng 10/2013 vẫn chưa đến 5%, trong đó phần lớn nợ xấu của các TCTD được xem là khỏe mạnh chưa tới 3%. Tuy nhiên, chính NHNN có lần thừa nhận nếu không thực hiện việc tái cấu trúc nợ theo Quyết định 780 thì nợ xấu cả nền kinh tế có thể lên trên 15%.

“Khỏe” cũng phải tái cấu trúc

Diễn biến hiện nay cho thấy rõ sự phát triển của các ngân hàng đã qua thời hoàng kim. Không chỉ vậy, các ngân hàng còn đang đối diện với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nợ xấu vẫn không ngừng tăng và con số thực tế đang ở mức rất cao.

Liên quan đến câu chuyện này, trong buổi gặp mặt báo chí mới đây, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch ngân hàng Eximbank đã trải lòng: “Kinh doanh ngân hàng bây giờ như người nông dân phải cần cù cày cuốc. Cái thời ngân hàng có thể dễ dàng kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh vàng, trái phiếu, cổ phiếu và hưởng biên lợi nhuận lớn từ việc huy động và cho vay đã qua rồi”.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay không chỉ có các TCTD yếu kém mới buộc phải tái cơ cấu mà ngay với cả ngân hàng đang được xem là khỏe mạnh cũng phải đứng trước áp lực này để nâng cao hiệu quả. Những xáo trộn mạnh về nhân sự ngân hàng trong thời gian qua là một kết cục tất yếu.

Nhiều ngân hàng đã phải cắt giảm hàng nghìn nhân sự để tái cấu trúc, cắt giảm chi phí. Chẳng hạn Eximbank phải chuyển 300 nhân sự làm việc tại hội sở sang bộ phận bán hàng, ACB cũng cắt giảm gần 1.000 nhân sự và giảm lương để cắt giảm chi phí.

Một chuyên gia tài chính chia sẻ: Trước đây nhiều ngân hàng đã quá ảo tưởng và không lường hết được rủi ro biến động của nền kinh tế, hệ thống tài chính. Các ngân hàng mở rộng vô tội vạ, thành lập công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản…

Vì vậy, hệ thống ngân hàng đã phát triển một cách rủi ro. Hệ quả là không chỉ có các TCTD yếu kém đã biểu hiện ra ngoài phải tái cấu trúc mà ngay cả những ngân hàng được xem là khỏe mạnh cũng chưa chắc đã an toàn.

Không chỉ cắt giảm nhân sự, các ngân hàng cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Hiện tại, hoạt động tín dụng chiếm 70-80% lợi nhuận các ngân hàng nhưng đã dần hết dư địa tăng trưởng cao. Vì vậy, các ngân hàng phải tập trung nhiều hơn và các hoạt động dịch vụ như thanh toán, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư…. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tích cực đổi mới công nghệ để giảm thiểu chi phí, tăng tiện ích cho khách hàng để cạnh tranh hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN