Tắc cải tạo chung cư cũ, dân lay lắt trong xập xệ
Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang bế tắc, giậm chân cả 10 năm. Trong cả thập niên cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp hô hào cải tạo là chính đó, người dân chỉ biết sống lay lắt trong những căn phòng tối tăm xuống cấp để trông chờ ngày nhà được cải tạo. Tuy nhiên, phía trước vẫn là những lối nhỏ, nhà cũ trơ gan cùng tuế nguyệt.
Đằng sau con phố trung tâm bậc nhất ở Hà Nội với nhiều cửa hàng, nhà cao tầng khang trang là những khu chung cư cũ lụp xụp ken dày san sát với những lối đi nhỏ hẹp. Thậm chí ở nhiều chung cư, người dân sống vật vờ trong những căn hộ chỉ khoảng 6m2 ẩm thấp không có ánh sáng.
Lo khi chết không có chỗ khiêng quan tài
Chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 200m, khu chung cư cũ số 11 Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay gọi là khu tập thể điện cơ cũ được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nếu chưa từng bước chân vào khu nhà này, nhiều người khó có thể tin ngay giữa khu trung tâm thành phố lại có một khu nhà nhếch nhác và nhiều người đang phải sống lay lắt đến vậy.
Cụ thể, muốn bước vào những căn hộ này, người dân phải len qua những dãy xe để la liệt ở khoảng sân chung chưa đầy 40m2 với trên đầu chằng chịt những dây phơi quần áo. Trước khi bước vào từng nhà là khu vệ sinh chung với đủ loại mùi xú uế bốc lên, khiến người đi qua phải giật mình lấy tay bịt mũi. Thấy tôi nhăn mặt, một cụ ông đang loay hoay chuẩn bị bữa trưa nói vọng: “Bây giờ cô đến đây còn đỡ mùi, cách đây vài năm, khu nhà vệ sinh chung còn không có lối thoát lênh láng hết cả”.
Ông Trần Thanh Ngọ (78 tuổi) ở trong căn hộ 6m2 tại khu này. Căn hộ của cụ chỉ đủ kê được 1 chiếc giường đơn, tủ lạnh bé và xe đạp. Khách đến nhà chỉ có thể ngồi lên giường hoặc đứng. Ông Ngọ kể: “Trước đây, tôi sống cùng vợ và con gái. Nay con gái đi lấy chồng ở riêng. Lúc con gái sinh, muốn về nhà bố mẹ để an dưỡng nhưng nhà chật quá, sinh hoạt bất tiện nên bà nhà tôi phải đi theo nó chăm sóc cháu. Tôi sống ở đây gần hết một đời người nhưng chỉ lo khi chết không có chỗ khiêng quan tài ra, vì nhà và lối đi quá nhỏ”.
Vừa nói, ông Ngọ vừa chỉ vào khu bếp rộng chưa đầy 2m2 cơi nới được căn hộ: “Chỗ nấu ăn còn cơi nới được chứ khu vệ sinh vẫn phải dùng chung. Mỗi buổi sáng thường diễn ra cảnh xếp hàng, chực chờ nhau như thời bao cấp”. Ông Ngọ băn khoăn: “Năm nào cũng có đoàn khảo sát xuống chụp ảnh nhưng mãi không thấy động tĩnh gì về việc cải tạo. Người dân ở đây khổ quá nên đành phải tự cải tạo chắp vá. Không biết đến lúc tôi chết khu nhà có được xây mới không?”.
Khu nhà có 4 tầng này, mỗi tầng có 10 căn hộ rộng từ 6m2 đến 12m2. Cả dãy chỉ có một nhà vệ sinh chung, các gia đình phải tự vá víu, cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm nên ngôi nhà vốn đã cũ kỹ càng thêm xập xệ, quá tải. Nhà vệ sinh đã ít lại còn thường xuyên bị tắc, vì quá tải nên phải đóng cửa liên tục. Khu chung cư trở nên nhếch nhác và bẩn thỉu hơn khi người dân sống ở đây phải tận dụng mọi không gian có ánh sáng lọt vào để phơi quần áo. Mặc dù đang giữa ban ngày nhưng khi bước vào tòa nhà, nhiều người sẽ có cảm giác đó là ban đêm, bởi không gian tối om, ngột ngạt và chật chội.
Không nhiều người dám bước mạnh trên cầu thang, vì trần nhà nứt lở đến trơ gạch như sắp rơi xuống đầu, dây điện chằng chịt như mạng nhện ở khắp mọi nơi, đồ dùng các hộ để đầy lối đi. Vì phải sinh hoạt chung nên người dân ở đây có thói quen tích trữ nước bằng tất cả các vật dụng có thể đựng được, khiến nơi đặt bể nước của toàn khu càng nhếch nhác, bẩn thỉu. Khổ nhất là những hộ gia đình đông con cháu sống chen nhau trong căn hộ chỉ rộng 12m2.
Bà Bùi Thị Ly (68 tuổi) sinh sống tại tầng 2 khu nhà này ngậm ngùi kể: “Tôi là công nhân nhà máy cơ điện được phân nhà ở đây mấy chục năm. Vi không có điều kiện nên các con tôi lấy vợ vẫn phải ở đây. Căn hộ chỉ có 10m2 nhưng đến 3 hộ gia đình sinh sống. Mang tiếng là gần bờ hồ nhưng cuộc sống chúng tôi khổ hơn cả dân gầm cầu”.
Bà Ly cơi nới thêm gác xép cho gia đình con trai cả gồm 2 vợ chồng và 1 người con. Đứa con trai có vợ nhưng chưa có con thì kê 1 chiếc giường giữa nhà được ngăn với phòng khách bằng tấm nhựa ép. “Vợ chồng 2 đứa con muốn thân mật với nhau chỉ có đi thuê nhà nghỉ bên ngoài chứ nhà chật thì một tiếng động khẽ cả nhà đều biết”, bà Ly nói.
Bà Ly chia sẻ: “Người dân trong khu 11 Vọng Đức có câu: “Nhất chợ, nhì ga, thứ ba Vọng Đức” để ví cuộc sống của người dân ở đây chẳng khác gì những người sống vất vưởng ở ngoài chợ. Không có một khu chung cư cũ nào ở Hà Nội lại khổ như khu nhà chúng tôi”.
Nguy hiểm rình rập
Khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) đã gần 60 tuổi, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây. Nhìn khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng như thế này, nhưng người dân vẫn cố bám trụ trong nỗi lo thường trực. Nhà bị nghiêng, lún, những mảng tường, trần nhà, bong tróc, thậm chí có chỗ thành tường hở cả lõi sắt. Tầng một, nền nhà thấp hơn mặt đường chừng hơn 1m, cứ hễ trời mưa là ngập. Gây nên nỗi lo âu và bức xúc cho những người dân sống tại đây.
Mỗi căn hộ ở đây có diện tích 19m2, đầu tiên dành cho 4 người độc thân ở, nhưng sau khi xóa bao cấp, cơ quan chức năng phân cho mỗi vợ chồng một căn hộ. Cứ thế theo năm tháng, nhiều thế hệ đã ở cùng nhau trong căn hộ với diện tích 19m2. Thậm chí, một vài gia đình có đến 9 nhân khẩu chen chúc sống. Thêm vào đó, chỉ có 1 bếp ăn chung, nhiều nhà đã phải tự nấu bếp ga trong nhà hay đun bếp lò ngoài hành lang, gây nên nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Duy Hùng, tổ trưởng tổ dân phố khu nhà C5 Quỳnh Mai cho biết, từ lúc xây đến nay, ngói không được đảo, cứ hễ trời mưa là dột. Vữa trát ở hai phía đầu đốc nhà có tác dụng chống thấm thì nay tồn tại để cho có. Tường gạch thì phủ nhiều màu hoen ố, bởi nắng mưa làm vụn gạch chảy ra bết vào tường. Ngoài ra, ông Hùng còn cảnh báo: “Trông bên ngoài còn đỡ sợ, chứ chỉ cần chạm nhẹ tay vào tường, có khi cả mảng rơi xuống người”.
Không chỉ xuống cấp, nhiều khu tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội còn rất tối tăm, đặc biệt là cầu thang. “Cư dân sống lâu năm quen với cầu thang tối rồi, nhưng mỗi khi có khách đến chơi, ai cũng phải soi đèn pin”, chị Thu Hà, sống tại khu tập thể Văn phòng phẩm Hồng Hà (Lò Đúc, Hà Nội) nói. Điểm chung giữa các khu tập thể cũ là nhà nào cũng cơi nới, cải tạo nên kết cấu nhà bị thay đổi, hệ thống chống thấm không đảm bảo, dẫn tới nước sinh hoạt, nước thải rò rỉ khắp nơi...