Sửa Luật Chứng khoán: “Thắt” cửa huy động vốn của doanh nghiệp?

Dự Luật Chứng khoán sửa đổi đang đưa ra một số quy định được cho là “thắt” cửa huy động vốn của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi).

Theo nội dung dự thảo, trong mục quy định điều kiện việc chuyển nhượng chứng khoán được chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hay trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho đến khi đáo hạn trái phiếu.

Đánh giá dự thảo có nhiều điểm cải tiến hơn trước nhưng ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng cũng cho rằng, quy định này sẽ là “cú sốc” với doanh nghiệp.

Ông Vũ Bằng cho biết, quy định về chào bán riêng lẻ như vậy đã thu hẹp so với thông lệ và thắt cửa huy động vốn của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp không có cửa huy động vốn, tiếp cận đại chúng nhưng vì phạm vi hẹp nên khả năng tiếp cận vốn càng khó”, ông Bằng nói.

Ông Bằng cho rằng, quy định nên mở rộng hơn đối tượng được tiếp cận chứng khoán riêng lẻ, không chỉ dừng ở nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Sửa Luật Chứng khoán: “Thắt” cửa huy động vốn của doanh nghiệp? - 1

Dự thảo quy định doanh nghiệp có vốn từ 300 tỷ đồng mới được phát hành trái phiếu

Đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần, dự luật cũng quy định điều kiện tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

Trường hợp vốn điều lệ của doanh nghiệp phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ tối thiểu là 15% vốn điều lệ. Trường hợp vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% vốn điều lệ của tổ chức phát hành.

Ông Bằng cũng cho rằng quy định này là chặt chẽ, hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, nhiều đợt chào bán sẽ không đủ điều kiện buộc phải hủy bỏ nên sẽ gây lãng phí lớn.

“Hạn chế chào bán riêng lẻ, chào bán ra đại chúng không cẩn thận thì cả riêng lẻ và đại chúng cùng khó khăn”, ông Bằng nói.

Hay như quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một 1 năm...

Theo ông Vũ Bằng, quy định vốn điều lệ 300 tỷ đồng trong bối cảnh thị trưởng Việt Nam là quá lớn.

“Tại sao không đồng nhất với cổ phiếu hoặc cùng lắm là 100 tỷ đồng, còn yêu cầu 300 tỷ đồng là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn”, ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn ngân hàng hay doanh nghiệp có lỗ do mới thành lập phải đầu tư lớn như Vinfast thì không thể đáp ứng yêu cầu có lãi nhưng kể cả ban đầu kinh doanh lỗ mà triển vọng tích cực và nhà đầu tư tin tưởng thì chào bán trái phiếu nhà đầu tư vẫn mua.

Quan trọng ở đây theo ông Bằng là hiệu quả kinh doanh và minh bạch thông tin, minh bạch tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo C.Sơn ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN