Sốt đất kéo dài từ Bắc vào Nam

Đất nền tại một số tỉnh, thành phố lớn đột nhiên tăng cao, có người tuyên bố mua qua đêm là có lãi vài trăm triệu đến tiền tỷ. Có thực sự như vậy?

Đất Phú Quốc, Vân Đồn ồ ạt đội giá đón lõng... đặc khu

Ăn theo thông tin Phú Quốc chuẩn bị thành đặc khu, giá đất Phú Quốc sốt xình xịch, giá tăng theo lời cò đất thì đã gấp chục lần sau vài tháng.

Sốt đất kéo dài từ Bắc vào Nam - 1

Một quán cà phê nơi các cò đất hoạt động tích cực phục vụ việc mua bán đất Phú Quốc. Ảnh: nongnghiep.vn

Tại Vân Đồn, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện đất nền dự án tại đây giá từ 20-50 triệu đồng/m², tăng mạnh so với trước Tết. Trong khi đó, đất thổ cư giá giao dịch từ 3-60 triệu đồng/m².

Theo phản ánh, sau khi có thông tin về xây dựng đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, giai đoạn cuối năm 2017, giá đất Vân Đồn tăng vù nhưng sau đó chững lại, đến thời điểm đầu năm 2018, giá đất lại giảm... 50% khiến những người đã trót xuống tiền ôm đất như ngồi trên đống lửa.

Đà Nẵng: Tạo sóng ảo để cất vó cả mẻ?

Trước tình trạng giá đất bị thổi lên vô lý tại Đà Nẵng, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Đà Nẵng, cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang trải qua giai đoạn nóng bất thường. 

Một người khác cũng cho rằng, đất nền Đà Nẵng tăng giá nóng bỏng là hấp lực lớn với giới đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng lên cơn sốt ảo. Do lượng môi giới tập trung về khu này rất lớn, làm việc theo kiểu người này có sản phẩm thì chào bán cho môi giới khác, môi giới đó lại chào lên giá cho người môi giới sau nên nhiều khi giá sản phẩm bị đẩy lên tương đối, không chỉ đơn thuần hưởng 1-2% phí dịch vụ từ chủ nữa. Một nhóm từ 5-7 người mua đi bán lại tạo sóng, đến thời điểm sẽ “cất vó” một thể.

Chủ yếu tình trạng sốt nóng là do các nhà đầu tư tự táo sóng, mua bán sang tay kiếm lời, chứ người mua thực sự để ở hay đầu tư lâu dài là rất ít.

Hà Nội: Đất Đông Anh, Nam Hà Đông tăng nhiệt ở đâu?

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, phân khúc đất thổ cư tại Đông Anh liên tục tăng giá trong thời gian gần đây. Tính đến tháng 4, mức tăng mạnh nhất là các lô đất đẹp có mặt tiền đường lớn, có thể kinh doanh được, tăng 60 - 70%. Các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, dao động từ 15 - 20%. 

Cùng với đó, một số khu vực phía Nam Hà Đông lại có giá tăng đột biến, đặc biệt giá đất nền trong khu đô thị và đất thổ cư gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tăng từ 10 - 15% so với cuối năm ngoái. 

Tuy nhiên, khảo sát thực tế, số lượng giao dịch thành công không nhiều. Hầu hết người bán nghe ngóng thông tin chờ giá lên, còn người mua cũng đi khảo giá là chủ yếu. Những giao dịch thành công phải đáp ứng tiêu chí đẹp cả về vị trí và giá cả, không có chuyện giá tăng, người mua ồ ạt xuống tiền như những thời điểm sốt đất trước đây.

Đất sốt, dân xếp hàng dài làm thủ tục

Người dân xếp hàng dài chầu chực chờ trước Văn phòng đăng ký đất đai đợi đến lượt làm thủ tục là hình ảnh quen thuộc tại quận 9, TP.HCM ít ngày trước.

Nguyên nhân là dó “cơn sốt” đất nền trên địa bàn, Văn phòng tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hồ sơ hành chính thuộc UBND quận 9, TP.HCM cũng rơi vào tình trạng quá tải khi người dân đến liên hệ làm thủ tục nhà đất quá đông. Sáng 12/4, tình trạng quá tải tiếp tục diễn ra, người dân phải xếp hàng dài chờ đến lượt.

Do quá đông, những người đến liên hệ làm thủ tục nhà đất phải bốc số thứ tự, đứng tràn ra vỉa hè. Thậm chí có người phải đi từ tờ mờ sáng để hy vọng được giải quyết sớm.

Lướt sóng, thổi giá kiếm lời, người đi sau ăn quả đắng

Theo Hiệp hội môi giới BĐS VN, tại đây vẫn đang có nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường BĐS khu vực.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định, thời gian qua các nhà đầu tư đã đến khảo sát và giao dịch khá mạnh tại 3 địa điểm dự kiến trở thành đặc khu, có nhiều nhà đầu tư đến các khu vực này đầu tư thực sự và mang tính lâu dài. Với những nhà đầu tư này, họ có nhu cầu đất đai hạ tầng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Nhờ vậy, thị trường bất động sản tại các khu vực này sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện rất nhiều nhà đầu cơ kiểu lướt sóng, mua xong “thổi” giá, kiếm lời.

Ông Hà cho rằng hiện đang có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực.

Cách đây vài ngày, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các địa phương sẽ thành lập đặc khu kinh tế là Quảng Ninh (đặc khu Vân Đồn), Khánh Hoà (đặc khu Bắc Vân Phong), Kiên Giang (đặc khu Phú Quốc) về việc kiểm soát tình hình giá đất, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền.

Bộ Xây dựng yêu cầu 3 tỉnh tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Ngoài ra cần thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND 3 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản, cần thông tin cho tổ chức, người dân về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và đô thị. Qua đó làm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ tăng giá bất động sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Infonet)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN