"Soi" lãi ngân hàng: Lấy đâu ra … đột biến?

Theo ước tính của UBGSTCQG, tín dụng chỉ tăng khoảng 6.5% trong 6 tháng đầu năm, đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm gần đây. Trong khi đó, tăng trưởng huy động đạt 8%, một phần nhờ lượng nội tệ được Ngân hàng Nhà nước bơm ra khi mua vào 12 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, lãi đột biến các ngân hàng đến từ đâu?

Ðược mùa lãi cao

Thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam  (Vietcombank)  ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 7.700  tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch 2018. Dự kiến lợi nhuận cả năm của Vietcombank sẽ vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, Vietcombank tiếp tục soán ngôi lãi  cao nhất làng ngân hàng.

Công bố tiếp theo là ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ước lợi nhuận đạt khoảng 5.200  tỷ đồng lợi nhuận, đạt 48% kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. 

Giữ ngôi vị số 1 trong lợi nhuận khối NHTM cổ phần không có vốn Nhà nước chi phối thuộc về Techcombank. Theo đó, ngân hàng đã cán đích ngoạn mục với gần 5.200 tỷ lợi nhuận trước thuế. Tại buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh tuần trước, ông Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank không giấu được sự vui mừng trước kết quả này và tự tin việc Techcombank tiếp tục về đích lợi nhuận năm 2018 như kế hoạch đề ra là điều  hoàn toàn có thể. 

Kết quả 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng nằm trong top đầu về tăng trưởng lợi nhuận với hơn 3.800 tỷ lợi nhuận trưức thuế. Ðặc biệt, MB thực thi thành công chiến lược đẩy mạnh các dịch vụ trong hệ sinh thái của tập đoàn bên cạnh tăng trưởng tín dụng truyền thống.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, tại ngày 30/06/2018, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.063 tỷ đồng, gấp hơn 2.3 lần so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 21.11% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) đạt 1.74% - thuộc top dẫn đầu các ngân hàng có chỉ số sinh lời tốt nhất trên thị trường bao gồm Vietcombank.

Cũng tại Hội nghị tổng kết tuần qua, ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Bên cạnh, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.

Lần lượt các nhà băng khác có NamABank 6 tháng đầu năm báo lãi trước thuế 311 tỷ đồng, đạt đến 97% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2018. Ngân hàng Phương Ðông (OCB) trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 1.300 tỷ, hoàn thành 65% kế hoạch. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận đạt trên 1150 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Eximbank gấp 2.3 lần so với cùng kỳ, đạt lần lượt 922 tỷ đồng và 737 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ ở mức 2.2%.

"Soi" lãi ngân hàng: Lấy đâu ra … đột biến? - 1

Vươn rộng cánh tay sang thu phí dịch vụ và mở rộng các lĩnh vực tài chính là cách kiếm tiền mới của các NH.

Vì sao đột biến?

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết: yếu  tố “lõi” để tăng nguồn thu đem lại lợi nhuận cho Techcombank hiện nay đúng là đang chiếm tỷ trọng lớn từ thu phí dịch vụ, đặc biệt là phí đầu tư chứ không phải chỉ còn trông vào tín dụng. “Tại Techcombank, chúng tôi miễn phí những loại phí nhỏ ví như phí ATM  nội mạng để tránh làm khách hàng bực mình hay phiền lòng, nhưng có thể thu khoản phí lớn như từ tư vấn  đầu tư hay từ các dịch vụ khác (rơi vào khoảng  400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm). Nói chung, những khách hàng có tiền rất sẵn lòng vui vẻ trả”.

Phân tích của Sacombank cho thấy, tổng thu nhập ngân hàng 6 tháng hơn 5.000 tỷ đồng trong đó đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. 

Còn  đại diện TPBank thì bật mí: có được kết quả kinh doanh khả quan trên, ngoài tăng thu từ tín dụng còn có phần đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. “Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm cũng có mức tăng trưởng rất khả quan, đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng”, đại diện TPBank cho biết.

Ngân hàng HDBank mới đây cũng chia sẻ  đang phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ - SMEs và tiêu dùng. Trong tổng lợi nhuận tăng mạnh của HDBank 6 tháng đầu 2018, Công ty tài chính HD SaiSon đóng góp 400 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Một yếu tố dẫn đến lợi nhuận ngân hàng năm nay “đột biến” nữa, theo công ty chứng khoán HSC là do các ngân hàng đang hưởng lợi từ tỷ lệ NIM (chênh lệch lãi đầu vào - đầu ra) tăng mạnh. Yếu tố này, ngay từ đầu năm lãnh đạo một nhà băng trong top đầu khối cổ phần từng  nói với Tiền phong rằng:  NIM của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng vọt, đặc biệt các ngân hàng mở rộng sang “trận địa” công ty tài chính, thu bảo hiểm, thẻ.  “Có ngân hàng, NIM đã lên đến 6-7% trong khi thông thường, mức chênh này nếu qua cho vay tín dụng chỉ đạt 2,5-3% là tối đa”, vị này thừa nhận. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết NIM của bên ông hiện từ 3-3,5%.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã có một nguồn thu đáng kể từ các khoản nợ xấu khiến cho phí dự phòng giảm (như Sacombank, MB, VIB, VietinBank)  hoặc  như nguồn thu từ chuyển nhượng cổ phần tại các ngân hàng khác (trường hợp Vietcombank thu hơn 300 tỷ từ bán cổ phần của OCB, hay đóng góp từ các thương vụ đại lý bảo hiểm; mở rộng mảng tài chính tiêu dùng với sự gia nhập của những tên tuổi mới như MB).

HSC dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng sẽ tăng dao động từ 8%-150% so với cùng kỳ và các ngân hàng đều cơ bản hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN