‘Sốc’ với cổ tức khủng của ngân hàng

Có ngân hàng chia cổ tức cao nhất từ trước tới nay nhưng cũng có nhà băng gần 10 năm không chia cổ tức.

Trong mùa đại cổ đông ngành ngân hàng năm nay, nhiều cổ đông “vui như Tết” vì được nhận cổ tức khủng và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ cao ngất ngưởng, thậm chí cao kỷ lục của ngành ngân hàng từ trước tới nay. Ngược lại, nhiều cổ đông buồn vì không được chia một đồng cổ tức nào.

Đua nhau chia cổ tức khủng

Trong khi hầu hết các nhà băng chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chi trả cổ tức trong nhiều năm liền thì những cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) mở cờ trong bụng do tỉ lệ chia cổ tức cao.

Đáng chú ý VPBank đã gây sốc cho những nhà đầu tư khi tuyên bố mức chi trả cổ tức năm 2017 và cổ phiếu thưởng lên đến 67%, trong đó mức cổ tức trả cho cổ đông lên đến 30,22%. Có thể những cổ đông của nhà băng này sẽ còn được tận hưởng cảm giác “vui như Tết” rất lâu nữa, bởi tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo nhà băng này hứa chi trả mức cổ tức và cổ phiếu thưởng trong năm 2018 sẽ không dưới 60% nếu lợi nhuận đạt trên 10.000 tỉ đồng. 

“Đây là tỉ lệ trả cổ tức cao chưa từng có từ trước đến nay về cả tỉ lệ và giá trị tuyệt đối. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua kế hoạch, chúng tôi sẽ phân phối lợi nhuận nhanh nhất cho các cổ đông” - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân nhấn mạnh.

‘Sốc’ với cổ tức khủng của ngân hàng - 1

Chuyện về cổ tức luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của các cổ đông. Trong ảnh: Một cổ đông đang chất vấn lãnh đạo Eximbank. Ảnh: TL

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng gây choáng khi vừa tuyên bố trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông là 36%. Trong đó bằng tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng 31%.

Nằm trong tốp những nhà băng chia cổ tức cao nhất còn phải kể thêm cái tên HDBank. Đại hội cổ đông diễn ra mới đây đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức 35%, gồm 15% tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng. Với tỉ lệ cổ tức trên, cổ đông đang hưởng lợi kép vì tính đến ngày 27-4 cổ phiếu của nhà băng này ở mức 42.800 đồng/cổ phiếu, tăng 30% kể từ thời điểm niêm yết. 

Giải thích lý do chia cổ tức với mức cao, một số nhà băng cho hay do xử lý được nhiều nợ xấu, không để phát sinh nợ xấu mới, thoái vốn… nên lợi nhuận cao.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần mạnh tay chia cổ tức thì các ông lớn như BIDV, Vietcombank chia cổ tức ở mức khá dè dặt. Ví dụ BIDV chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỉ lệ 7%, còn Vietcombank chia cổ tức 8%. 

Dài cổ chờ cổ tức

Bên cạnh những cổ đông ăn mừng lớn thì vẫn có nhiều cổ đông ngậm bồ hòn làm ngọt khi nhiều năm trời dài cổ chờ cổ tức mà không có. Trong số đó phải kể tới Ngân hàng T. khi mà năm nay HĐQT tiếp tục trình cổ đông phương án không chia cổ tức.

Ngân hàng này giải thích: Lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ cộng với lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tổng cộng hơn 9.345 tỉ đồng đã được giữ lại để tăng vốn tự có, vốn cổ phần. Như vậy tính đến nay, các cổ đông nhà băng này đã trải qua tám năm chưa nhận được cổ tức.

Tương tự, tại đại hội cổ đông Sacombank diễn ra mới đây, nhiều cổ đông chất vấn Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh: “Tôi là cổ đông lâu năm của Sacombank nhưng đến nay hai năm chưa có cổ tức. Có thể đẩy nhanh việc chia cổ tức được không?”.

Giải đáp thắc mắc này, ông Dương Công Minh nói: “Ai cũng vậy, góp vốn để lấy lãi. Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, không được chia cổ tức thì tôi cũng là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu nên ngân hàng chưa thể chia cổ tức”.

“Tuy nhiên, tôi khẳng định trong vòng 3-5 năm tới Sacombank sẽ xử lý xong lãi dự thu. Nếu năm năm không xong thì tôi sẽ ra đi khỏi Sacombank. Trong năm 2018 hoặc đến năm 2019 chúng tôi sẽ xin NHNN cho trích một phần lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi tái cơ cấu xong thì đều có cổ tức và năm sau cao hơn năm trước” - ông Minh hứa.

Một số cổ đông của Ngân hàng Eximbank cũng phản ứng trước việc ba năm nay không được nhận cổ tức, trong khi vừa qua lại để xảy ra hai vụ lùm xùm dẫn đến mất gần 300 tỉ đồng của người gửi tiền. Một cổ đông chất vấn lãnh đạo Eximbank: “Năm 2017 lợi nhuận hơn 1.000 tỉ đồng, năm 2018 đề ra chỉ tiêu 1.600 tỉ đồng vậy thì có chia cổ tức không?”.

Đối diện với các câu hỏi chất vấn của cổ đông, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết: “Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nhất là từ năm 2016 tập trung giải quyết các vấn đề về lỗ lũy kế, xử lý nợ xấu ở mức cao... Do đó ba năm qua không thể chia cổ tức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất NHNN để xem xét có thể chia cổ tức cho cổ đông ở mức nào đó không”.

Nhận định về vấn đề chia cổ tức, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN TP.HCM, cho biết: Một số ngân hàng chia cổ tức nhưng vẫn có những trường hợp không chia cổ tức do còn nhiều vấn đề mà các ngân hàng phải giải quyết trước khi chia cổ tức. Ví dụ như tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính...

“Trong bối cảnh tái cơ cấu hiện nay, ngân hàng cần phải ưu tiên nâng cao năng lực tài chính trước. Điều chúng ta muốn chính là đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, cơm không ăn thì gạo còn đó!” - ông Dũng chia sẻ.

Một chuyên gia kinh tế cũng lưu ý dù một số nhà băng có khởi sắc hơn so với trước nhưng cần phải hạn chế dồn vốn vào những lĩnh vực rủi ro, nhất là bất động sản hoặc tăng trưởng nóng nhằm tránh phát sinh thêm nợ xấu như từng xảy ra trước đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN