Sốc: Lãi cho vay bằng huy động
Từ hơn một tuần nay, nhiều DN sản xuất lớn đã tiếp cận được với lãi suất vay vốn ngắn hạn 9%/năm, bằng với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Đây là một tín hiệu vui cho các DN.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tài chính CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, trong tuần cuối tháng 8, HSG đã được ngân hàng giải ngân vốn vay ngắn hạn có lãi suất thấp, đối với VND là 9%/năm và đối với USD là 3%/năm.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng xác nhận là các ngân hàng VCB, Vietinbank đã chào gói vay lãi suất thấp đối với VND là 9%/năm và lãi suất vay USD là 3,2%/năm. Các DN cho biết, đây là lãi suất thấp hơn trước rất nhiều và với mức lãi suất này, chi phí tài chính của DN sẽ giảm.
Theo Bộ phận Phân tích của CTCK Kim Eng, xu hướng giảm lãi suất và sự ổn định của tiền đồng là một trong hai lý do cơ bản giúp tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG tạo đáy và bắt đầu tăng dần từ 12,3% của quý III/2011 lên 13,8% của quý III/2012.
Ông Thanh chia sẻ, việc tiếp cận gói lãi suất thấp giúp HSG tiết giảm chi phí mỗi ngày, vì HSG vay vốn theo hình thức luân chuyển, theo đó hợp đồng vay giải ngân theo yêu cầu của Công ty và được trả trước hạn. Vì thế, HSG có thể ký hợp đồng vay vốn mua hàng mới, nhưng ngay sau đó có thể dùng nguồn tiền thu từ hoạt động bán hàng để trả nợ cũ, giảm tổng dư nợ xuống.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM xác nhận, đã có những gói tín dụng với lãi suất bằng lãi suất huy động 9%/năm với VND và 2%/năm với USD. Mục tiêu triển khai gói tín dụng lãi suất thấp này của các ngân hàng là nhằm chia sẻ khó khăn với DN, nhằm lôi kéo các khách hàng tốt về mình và cũng là cách để giải quyết lượng vốn tồn đọng khó giải ngân thời gian qua.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM nhận định, trong xu thế cạnh tranh thì các gói tín dụng lãi suất thấp sẽ lan tỏa sang nhiều ngân hàng, tùy thuộc năng lực tài chính của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, “tôi đánh giá mức lãi suất này chỉ có ở các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, chứ các ngân hàng nhỏ khó có điều kiện thực hiện”, ông Minh nói.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Phan Huy Khang chia sẻ, lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm của Ngân hàng phổ biến ở mức 12 - 15%/năm là phù hợp với lạm phát và tình hình kinh tế hiện nay. Ghi nhận từ các DN cũng cho biết, Ngân hàng ANZ sau khi áp dụng lãi suất cho vay 9%/năm đã lại tăng lên 11,5%/năm ở thời điểm này.
Theo một số chuyên gia, việc giảm lãi suất là tín hiệu tốt cho DN. Tuy nhiên, ngân hàng giảm lãi suất vay vốn ngắn hạn thì DN cũng chưa thể tính đến chuyện đầu tư, nên cũng chưa thể hy vọng lãi suất này giúp nền kinh tế khởi sắc hơn.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang ở mức thấp so với kế hoạch đặt ra. Nhu cầu vay vốn của DN là lớn, nhưng với mặt bằng lãi suất hiện nay trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thì số DN có khả năng vay để kinh doanh có lãi sau khi trả nợ ngân hàng là không nhiều.