Số nợ hơn 1,3 triệu tỉ đồng không đáng lo ngại
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, con số nợ hơn 1,3 triệu tỉ đồng của các Tập đoàn, Tổng công ty năm 2012 'nó bình thường chứ có gì mà đáng lo ngại'.
Ông đánh giá thế nào về số nợ này?
Nó bình thường chứ có gì mà đáng lo ngại, nợ 1 triệu hay 2 triệu tỉ nó không quan trọng. Vấn đề là có vay quá khả năng tài chính của họ không, họ vay thế thì hoạt động có hiệu quả hay không, cái đó mới quan trọng. Còn theo báo cáo (Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước mà Chính phủ gửi đại biểu quốc hội), hệ số vốn đòn bẩy tài chính chưa đến 2, mới có 1,74 thì không có gì đáng lo ngại. Chỉ có một số công ty, tổng công ty có hệ số đòn bẩy hơi lớn, lên đến 3, trên 3 thì phải giảm xuống.
So với cách đây 5 – 6 năm, khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tập đoàn, tổng công ty thì tình hình tài chính, hệ số đòn bẩy tài chính của các tổng công ty, tập đoàn giảm đi đáng kể rồi, nhất là các tập đoàn trước đây có hệ số đòn bẩy tài chính lớn thì đã giảm đi. Như vậy là nhìn lại xu hướng tốt hơn, tức là giảm bớt khó khăn đi.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: GAFIN.
Khả năng trả nợ thì sao, thưa ông?
Một là phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính, thanh khoản thế nào, có quá xấu hay không, chứ không phải con số vay nợ nhiều hay không. Thứ hai là hoạt động có hiệu quả hay không, nếu có thì vẫn có thể trả nợ được bình thường.
Theo ông, để xem các tập đoàn hoạt động hiệu quả thì dựa vào tiêu chí nào?
Điều này không nói sơ sơ được, nhiều yếu tố lắm, người ta đi học thì phải cả một chương cơ mà.
Có một số tập đoàn nợ nước ngoài lớn. Các con số này nói lên điều gì?
Nó không nói lên điều gì cả. Nếu bạn có vốn 1 tỉ mà đi vay 1 tỉ thì chẳng có vấn đề gì. Hoạt động kinh doanh thì phải đi vay thôi, còn nhà nghèo thu nhập một tháng 10 triệu mà đi vay 100 triệu đã là kinh khủng rồi. Vốn có nhiều, đi vay nhiều, hoạt động nhiều, hoạt động đến đâu trả nợ đến đó. Liệu họ có khả năng trả nợ không thì nhìn con số khác, chứ không nhìn con số đó. Cái này thì không có nhiều thời gian (trao đổi qua điện thoại – pv) và bạn chưa đi sâu thì tôi khuyến nghị không nên đặt khía cạnh như vậy.
Các tập đoàn, tổng công ty từng gây mất lòng tin người dân, chẳng hạn như EVN khi thua lỗ thì tăng giá điện. Vậy họ lấy tiền từ đâu ra để trả nợ?
Lấy tiền từ dự án của họ hoạt động kinh doanh. Dự án sản xuất kinh doanh mà không thu được tiền trả nợ thì mới đáng lo ngại. Họ có thu được tiền trả nợ hay không thì đó là câu chuyện khác.
Cảm ơn ông!