“Sờ gáy” DN trốn thuế, xả thải môi trường
Theo nhiều chuyên gia, luật sư, với Bộ luật Hình sự (HS) sửa đổi, nếu đưa truy cứu trách nhiệm hình sự “pháp nhân” vào vi phạm pháp luật thì tới đây cơ quan chức năng sẽ có công cụ để xử lý những vụ trốn thuế, gửi giá, xả thải môi trường của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Giảm “hình sự hóa”
Tại hội thảo “Bộ luật HS dưới góc nhìn của cộng đồng DN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23/4, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo sửa đổi Bộ luật HS, khi bỏ Điều 65, về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi dự kiến đưa vào truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ vi phạm xả thải môi trường. Ảnh: M.T.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng, nên bỏ điều luật này, vì tội danh này còn chung chung, không cụ thể, phạm vi rộng, giống như “cái túi” để xử lý bất cứ vi phạm nào. Như vậy là không minh bạch, dễ bị lạm dụng. Mặt khác, Bộ luật HS cũng quy định nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, thuế, tài chính, tài nguyên, khoáng sản, đất đai…
Giám đốc một Cty Chứng khoán đơn cử: “Chúng tôi lúc nào cũng ngay ngáy lo đối mặt với khởi tố, đi tù. Bởi trong kinh doanh, nếu cứ vin vào điều luật trên, sẽ hạn chế sức sáng tạo của DN rất nhiều. Chẳng hạn, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có quy định cho mua ký quỹ thì nhiều công ty chứng khoán đã làm rồi, nếu công an nhảy vào, chắc là đi tù hết”- Vị giám đốc nói.
Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng cần hạn chế “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế. Theo dự thảo Luật HS sửa đổi, có hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền đối với một số tội phạm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng như: Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tôi phạm về môi trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về vấn đề trên. Ông Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, nhiều vụ “làm trái” nhưng không chứng minh được vụ lợi chiếm đoạt tài sản… Do vậy, với những hành vi chưa cụ thể hóa được như trong lĩnh vực tài chính, đất đai, ngân hàng, có thể bỏ lọt các hành vi vi phạm.
Theo Luật sư Trần Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói Điều 65 Luật HS hạn chế sáng tạo của DN cũng không hẳn. “Mục tiêu của anh là mua con tàu tốt cho nhà nước, nhưng anh lại mua con tàu kém, gây bao nhiêu tổn hại, thế thì không vi phạm sao được”. Theo ông Sơn, nếu hạn chế hình thức phạt tù chuyển sang phạt tiền, có thể giảm tính răn đe, không có tác dụng ngăn ngừa tội phạm. “Chúng tôi không ủng hộ, vì một số người vi phạm có thể nộp tiền, nhởn nhơ ngoài xã hội”- ông Sơn nói.
Sẽ xử cả “pháp nhân”?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm HS đối với các pháp nhân, thay chỉ vì truy cứu cá nhân như trước đây.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng, vi phạm HS về pháp nhân đang “nóng” ở lĩnh vực môi trường, kinh tế. Pháp nhân trong DN có thể hiểu như việc hội đồng quản trị thống nhất ra một quyết nghị, văn bản nào đó. Ông Hướng lấy ví dụ, Vedan xả thải ra sông Thị Vải gây ảnh hưởng đến môi trường và hàng trăm nghìn nông dân hay vụ Cty CP Nicotex Thành Thái (Thanh Hóa) vi phạm thải cả nghìn tấn chất độc hại ra môi trường, nhưng không có công cụ pháp luật để xử lý hình sự.
Theo ông Hướng, hai vụ việc trên, khách thể bị xâm hại là môi trường và hàng triệu con người. Nếu theo dân sự, nông dân không có khả năng thống kê được mùa này mất, được bao nhiêu cá, lúa khi môi trường bị xâm hại, nhưng trong tố tụng HS có thể làm được. Ông Hướng cho rằng, một vấn đề “nhức nhối” không kém là các DN liên doanh, FDI có hành vi chuyển giá, trốn thuế. Như vụ một siêu thị trốn thuế đến hơn 500 tỷ đồng mới đây, ông cho rằng, cái khó là chúng ta không thể nào thu thập được tài liệu, chứng cứ, vì thiếu công cụ.
“Quan trọng nhất là khâu thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp pháp luật. Nếu không áp dụng cho pháp nhân chịu trách nhiệm HS, lại quay về công vụ là hành chính và dân sự thì không thể nào kịp thời thu thập được tài liệu chứng cứ, tham gia được các hoạt động tố tụng sâu, toàn diện được”- ông Hướng nói.
Ông Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội) cũng cho rằng, thực tiễn nhiều pháp nhân gây thiệt hại rất lớn, đã xử lý hành chính, phạt tiền… nhưng không thể xử lý được với những hành vi tinh vi. “Chúng ta không thể vào DN để biết việc đào ống nước ngầm xả thải, hay biết trốn thuế, gửi giá được”- ông Doanh nói.
Ông Doanh lấy ví dụ: “Vụ Vedan xả thải trực tiếp ra môi trường, sau khi vi phạm đã đưa ngay tổng giám đốc về nước. Vì họ cho rằng, Việt Nam chỉ xử lý cá nhân, chứ không xử lý pháp nhân. Nếu không có công cụ pháp lý, thì cơ quan chức năng không thể làm được”. Luật sư Trần Vũ Hải (Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải) cũng cho rằng, nếu không truy cứu trách nhiệm HS, thì chỉ trong 24 tiếng, toàn bộ lãnh đạo của các DN FDI có thể “biến mất”.