So đo giảm thuế cứu doanh nghiệp

Thuế suất cao sẽ dẫn đến tâm lý ngại mở rộng sản xuất kinh doanh và trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.

Việc sửa đổi cùng lúc 2 bộ luật quan trọng: Luật Thuế GTGT và Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, dự thảo Luật Thuế GTGT giữ nguyên mức ưu đãi hiện hành nhưng dự thảo Luật Thuế TNDN lại rất dè dặt trong việc điều chỉnh giảm thuế suất.

So đo giảm thuế cứu doanh nghiệp - 1

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May thêu giày An Phước: Ảnh: HỒNG THÚY

Lo hụt thu ngân sách

So với các đợt sửa đổi trước, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này có mức độ điều chỉnh ít nhất về thuế suất. Trước đây có 2 mức thuế suất là 32% áp dụng cho DN trong nước và 25% áp dụng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2003, Quốc hội thống nhất thực hiện một mức thuế suất phổ thông 28%. Năm 2008, thuế suất phổ thông thuế TNDN tiếp tục được giảm xuống 25%. Còn tại đợt sửa luật này, thuế suất phổ thông chỉ được đề nghị giảm 2%, từ mức 25% xuống 23%.

Lý giải cho việc chỉ giảm tiếp 2% thuế suất trong đợt điều chỉnh này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết cứ giảm thuế suất phổ thông 1% thì ngân sách giảm thu khoảng 6.000 tỉ đồng. Như vậy, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 12.000 tỉ đồng nếu suất thuế TNDN còn 23% từ năm 2013. Tính cả việc áp thuế 20% đối với DN nhỏ và vừa thì ngân sách giảm thêm hơn 2.000 tỉ đồng nữa. Năm 2013 cũng là thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, tính chung tác động của 2 sắc thuế này đối với ngân sách Nhà nước năm 2013, sẽ giảm thu khoảng 30.000 tỉ đồng.

Một nội dung khác đáng quan tâm là dự thảo sửa Luật Thuế TNDN quy định khống chế các khoản lãi vay được trừ trong thu nhập chịu thuế. Theo đó, DN sẽ không được trừ vào thu nhập chịu thuế các khoản chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu. Nội dung này nhằm ngăn ngừa tình trạng DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, làm tăng nguy cơ mất an toàn tài chính cho DN và cho cả nền kinh tế. Theo các chuyên gia, ý tưởng này thiếu khả thi và cán bộ thuế có thể căn cứ vào quy định này để sách nhiễu DN.

Phải tính đến việc doanh nghiệp nhờ giảm thuế mà làm ăn tốt

Ngay trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã cho rằng Chính phủ giảm thuế lẻ mẻ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi mà là bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi giảm xuống 20% chứ không lẻ mẻ 23% như thế này”. Về lập luận “giảm thuế sẽ khiến ngân sách giảm thu”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng lập luận đó chưa khách quan, phải tính đến “vế” sau là sẽ có bao nhiêu DN nhờ giảm thuế mà làm ăn tốt hơn, có tiền nộp thuế để tăng thu cho ngân sách. Hơn nữa, thuế suất cao sẽ dẫn đến tâm lý ngại mở rộng sản xuất kinh doanh và hành vi trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Tào Hữu Phùng cũng cho rằng giảm ngay xuống 20% thì tốt, coi đây là đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy việc giảm thuế không hẳn đã dẫn đến giảm thu ngân sách. Theo Bộ Tài chính, mặc dù thuế TNDN giảm từ 28% xuống còn 25% trong các năm 2009-2011 nhưng số thu ngân sách Nhà nước về thuế TNDN vẫn tăng trưởng. Trung bình mỗi năm, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt khoảng 90.000 tỉ đồng, bình quân hằng năm tăng khoảng 25%. Cụ thể: Năm 2009 đạt 52.191 tỉ đồng, chiếm 19,3% trong tổng thu ngân sách Nhà nước và bằng 3,15% GDP; năm 2010 là 82.297 tỉ đồng, chiếm 22,5% trong tổng thu ngân sách Nhà nước và bằng 4,15% GDP; năm 2011 là 96.600 tỉ đồng, chiếm 22,4% trong tổng thu ngân sách Nhà nước và bằng 3,81% GDP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN