Siêu bộ có quản lý nổi 5 triệu tỉ đồng?

Việc thành lập “siêu ủy ban” sẽ khiến các bộ mất rất nhiều quyền lợi.

Bộ KH&ĐT vừa công bố dự thảo nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) (sau đây gọi tắt là ủy ban).

Nếu ủy ban trên được thành lập, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty. Điển hình như các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính-Viễn thông, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm: Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Thép, Dược, Sabeco… Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các DN lên tới khoảng 5,4 triệu tỉ đồng. Như vậy đây sẽ là một “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản khổng lồ, lớn nhất Việt Nam.

Siêu bộ có quản lý nổi 5 triệu tỉ đồng? - 1

Ủy ban được thành lập với kỳ vọng sẽ giảm được tình trạng đầu tư kém hiệu quả. Trong ảnh: Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên 8.000 tỉ đồng hoang phế. Ảnh: HỮU VIỆT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng việc thành lập ủy ban này sẽ tránh được xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, từ đó tách các chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường.

“Nguồn vốn nhà nước khi tập trung về một đầu mối thì sẽ được đánh giá, thống kê đầy đủ, sử dụng hiệu quả hơn cho mục tiêu chiến lược của cả nền kinh tế. Điều này sẽ kéo theo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN sẽ được đẩy mạnh hơn, không chậm chạp như giao cho các bộ chủ quản hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất là các DNNN sẽ tránh được tình trạng kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh như lâu nay.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì lo ngại hiện nay số lượng DNNN đang còn quá lớn và việc một ủy ban quản lý DNNN quá lớn như vậy sẽ gặp khó khăn. “Với số lượng 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ủy ban này liệu có đảm đương được công tác quản lý hay không. Tôi cho rằng việc quản lý số DNNN này không hề đơn giản, ủy ban có ba đầu sáu tay cũng khó ôm xuể” - ông Doanh lo lắng.

Một điều nữa mà ông Doanh băn khoăn là ủy ban này ra đời có thể xảy ra tình trạng lạm quyền và ngân sách nhà nước lại gánh thêm bộ máy cồng kềnh trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn. Bên cạnh đó, ủy ban thực chất là “siêu bộ” và các bộ, ngành sẽ khó đồng tình phương án này, bởi họ sẽ khó chấp nhận nhả phần lợi ích mà họ đang có ở các DNNN.

Từ đó ông Doanh cho rằng về lâu dài, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cổ phần hóa, giảm số lượng DNNN xuống mức thấp nhất. “Cái cốt yếu vẫn phải tập trung cổ phần hóa nhanh hơn và hãy để cho DNNN vận hành theo cơ chế thị trường” - ông Doanh khuyến nghị.

Có thể được hưởng lương rất cao

Theo dự thảo nghị định, cơ cấu tổ chức của ủy ban dự kiến gồm chủ tịch và các phó chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. “Ủy ban sẽ giống một tổng công ty, những người làm việc tại đây không phải công chức và lương được trả theo kết quả công việc. Họ có thể hưởng lương cao gấp hàng trăm lần các chức lãnh đạo cao cấp, họ không bị giới hạn về thu nhập, miễn là số tiền họ hưởng tương xứng với công sức họ làm ra” - ông Nguyễn Đình Cung nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận - Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN