“Siết” thị trường ngoại hối

Một số quy định của Pháp lệnh Ngoại hối không còn phù hợp với thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam về khả năng vốn và năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro của các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh...

Dự kiến, trong phiên họp thứ 16 diễn ra từ ngày 19/3/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối với nhiều điều khoản siết chặt hơn nữa hoạt động này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đôla hóa” và “vàng hóa” của nền kinh tế, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối.

“Hiện nay, một số nội dung trong Pháp lệnh ngoại hối không còn phù hợp với những quy định có liên quan của các dự án luật ra đời sau như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán... đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng Nhà nước, ví dụ như quy định về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, ngoại hối thuộc ngân sách Nhà nước...”, ông Giàu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế còn cho rằng cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các hoạt động báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thoả thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Pháp lệnh này của Ủy ban Kinh tế vừa diễn ra, nhiều đại biểu đều cho rằng với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta thì nên coi ngoại hối là một tài nguyên quốc gia và cần được sử dụng tiết kiệm.

“Việt Nam chưa tới thời kỳ nới lỏng quản lý ngoại hối và nguồn lực này cần được quản lý như tài nguyên quốc gia”, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch nhận định.

Đưa ra phép so sánh mỗi năm, hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam phải ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mới xuất khẩu được vài tỷ USD mang về cho đất nước, trong khi đó, số ngoại tệ chảy ra nước ngoài để đi học, chữa bệnh, mua nhà... cũng tương đương, ông Lịch nêu quan điểm: “Chảy máu ngoại tệ đang là vấn đề rất lớn. Do vậy, phải quản lý ngoại hối như là vấn đề liên quan đến cán cân quốc gia, không thể dễ dàng tự do hóa trong giai đoạn hiện nay”.

Còn Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Hoàng Ngân đưa ra khuyến cáo rằng việc sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, nhất là giai đoạn hiện nay khi USD chợ đen đang có dấu hiệu “nổi sóng” trở lại. Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này cần phải quy định chi tiết và rõ ràng, tránh mập mờ làm khó người thực hiện.


“Siết” thị trường ngoại hối - 1
Một số quy định của Pháp lệnh Ngoại hối không còn phù hợp với thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam

Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành năm 2005, về cơ bản, Pháp lệnh này đã hoàn thiện một bước quy định pháp lý về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động ngoại hối. Nhưng diễn biến thị trường ngoại hối và biến động nền kinh tế trong thời gian qua cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu tăng cường quản lý cũng như kiểm soát hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân.

Trong bối cảnh đó, một số nội dung tại Pháp lệnh Ngoại hối được quy định khá thông thoáng, tự do hoá hoặc chưa có quy định rõ ràng nên chưa đảm bảo hiệu quả quản lý và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Chẳng hạn, một số quy định của Pháp lệnh Ngoại hối không còn phù hợp với thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam về khả năng vốn và năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro của các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh...

Pháp lệnh ra đời từ cuối năm 2005 nên khó có thể lường hết được mặt trái, tác động tiêu cực của thị trường tài chính thế giới khi lâm vào khủng hoảng đối với thị trường trong nước và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và điều tiết của Nhà nước.

Hay đối với thực tế khá “nóng bỏng” hiện nay là tình trạng đôla hóa nền kinh tế, tuy Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định về các trường hợp không được thực hiện bằng ngoại tệ nhưng quy định này chưa bao quát đầy đủ các hành vi không được phép sử dụng ngoại tệ đang phát sinh trên thực tế (báo giá, định giá, ký kết hợp đồng của người cư trú...), gây khó khăn cho công tác quản lý và tạo kẽ hở pháp lý cho một số đối tượng vi phạm mà cơ quan chức năng không có căn cứ pháp luật vững chắc để xử lý vi phạm.

Góp ý cho dự thảo Pháp lệnh này, Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu thêm để sửa đổi nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối.

Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng cần quy định cơ chế phối hợp quản lý chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực này, tránh tình trạng “đôla hoá” nền kinh tế, thông qua việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch hoạt động quản lý ngoại hối, nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia, xây dựng niềm tin và tạo thói quen của cơ quan, tổ chức, người dân trong sử dụng đồng tiền Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYÊN MẪN (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN