‘Sếp’ ngoại quốc đổ sang VN làm thuê
Trong bối cảnh khủng hoảng chung, nhiều ông chủ da trắng, mũi lõ lại chấp nhận công việc làm thuê cho một số ông chủ người Việt.
Thông thường, lao động tại các nước phát triển tìm đường sang phương Tây làm việc, hoặc làm thuê cho các công ty có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng chung, nhiều ông chủ da trắng, mũi lõ lại chấp nhận công việc làm thuê cho một số ông chủ người Việt.
Làm thuê lấy tiền mua nhà
Alan, quốc tịch Pháp ở La Thành (Hà Nội), giám đốc một doanh nghiệp phân phối rượu vang Pháp tại Việt Nam kinh doanh ế ẩm đã quyết định làm thêm cho một hãng taxi của Việt Nam. Sống ở Việt Nam đã 7 năm, cưới vợ Việt, Alan khá tỏ tường môi trường kinh doanh và văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, công việc làm ăn của anh vẫn tương đối manh mún, trong bối cảnh khó khăn chung, anh càng có những bước đi thận trọng hơn.
Alan chọ chẹ tâm sự bằng tiếng Việt: “Công ty nhỏ, thuê 2 nhân viên văn phòng, 3 nhân viên giao hàng, vợ làm kế toán quản lý thay tôi yên tâm rồi. Tôi đang tính nhận lời mời làm điều hành công ty M. để kiếm thêm”.
Theo lời chị Hà, vợ Alan, “Lấy vợ người Việt được mấy năm rồi vẫn chưa mua được nhà, đó là điều Alan trăn trở nhất. Anh ấy là người gốc Việt nên hiểu rõ văn hóa “an cư, lạc nghiệp” ở Việt Nam. Anh muốn có nhà để tôi có cảm giác yên tâm, hạnh phúc hơn”.
Qua điện thoại, được biết mấy ngày nay Alan bắt đầu công việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về” như nhiều đàn ông Việt Nam. Làm vị trí điều hành, với mức lương 120 triệu đồng/tháng cũng là khoản kiếm thêm kha khá, giúp anh chị tích lũy đầu tư mua tài sản sau này.
Dạy thêm kiếm tiền
“Hoàn cảnh” hơn Alan là Peter, người Anh sống tại Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội). Điều hành một trung tâm Anh ngữ ngay trên địa bàn, song Peter chưa cảm thấy cuộc sống đủ đầy. Anh tiếp tục đi dạy thêm để kiếm tiền mang về cho vợ quê Nam Định, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng chưa đi làm.
Trong bối cảnh khủng hoảng chung, nhiều ông chủ da trắng, mũi lõ lại chấp nhận công việc làm thuê cho một số ông chủ người Việt.
Peter trải lòng: “Vợ tôi là mẫu người của gia đình. Tôi cần cô ấy ở nhà chăm sóc gia đình là đủ, tất nhiên cô ấy có thể đi làm nếu muốn. Nhưng tôi phải là người trụ cột”. “Tôi sợ mình kém cỏi cô ấy sẽ bỏ tôi”, anh hóm hỉnh nói.
Peter còn chê đàn ông Việt Nam lười, ham túm năm tụm bảy nhậu nhẹt. “Tôi không hiểu tại sao đàn ông Việt lại thích ngồi trà đá, đi uống rượu sau giờ làm hơn là về với tổ ấm”. Làm quản lý trung tâm, Peter thường xuyên đi gặp đối tác ăn uống xã giao nhưng anh luôn ý thức được việc vợ con đang chờ ở nhà nên cố gắng về sớm, thậm chí phụ vợ một số việc lặt vặt trong nhà như lau nhà, hút bụi, tắm cho con.
Nghỉ hưu vẫn đi làm
Không có được sức trẻ ở A. và Peter, ông Reiko 65 tuổi, người Nhật vẫn hăng hái làm việc tại một công ty con của Yamaha ở Sóc Sơn (Hà Nội). Theo lời anh Khánh, nhân viên của ông Reiko, sức làm việc của người Nhật rất dẻo dai. Đặc biệt, đàn ông Nhật không mấy ai bỏ việc ở tuổi nghỉ hưu. Họ vẫn làm lụng để gửi tiền về cho vợ. Họ đặc biệt “khoái” làm việc ở Việt Nam vì “ăn” lương của Nhật nhưng lại làm việc ở đất nước có chi phí sinh hoạt thấp.
Ông Reiko cho biết: “Lương hưu ở Nhật Bản không đủ cho gia đình tôi có cuộc sống thoải mái. Tôi thích làm việc vì cuộc sống không lao động thì thật buồn tẻ”.