Sếp ngân hàng không được phép kiêm nhiệm lãnh đạo DN khác
Với 88,80% số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vào chiều 20/11/2017.
Theo quy định của Luật sửa đổi, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD, Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại TCTD, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.
Về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, Luật sửa đổi không quy định việc miễn trách nhiệm hoặc quy định trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại TCTD vì đã có quy định tại các luật khác có liên quan để tránh xung đột pháp lý khi xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức và các trách nhiệm dân sự, hình sự khác.
Về thẩm quyền quyết định cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 146), đa số các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc thực hiện phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy UBTVQH cho rằng cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện.
Về kiểm soát đặc biệt, UBTVQH cho rằng TCTD khác với doanh nghiệp thông thường, TCTD có nhiều chi nhánh, phạm vi hoạt động rất lớn với rất nhiều giao dịch. Mỗi TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt có khó khăn và vấn đề tồn tại cần phải xử lý khác nhau, từ đó thành phần tham gia của Ban kiểm soát đặc biệt cũng khác nhau, có thể được điều động từ cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, các TCTD, số lượng thành viên Ban kiểm soát đặc biệt khá nhiều, có thể từ vài chục đến hàng trăm người nên khó có thể quy định chung về tiêu chí, tiêu chuẩn, thành phần của Ban kiểm soát đặc biệt trong Luật mà cần giao Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập như quy định hiện hành để tạo sự linh hoạt, chủ động trong điều hành.
Về phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Điều 149 của Luật quy định chung về sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn của TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm quỹ tín dụng nhân dân. Việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn của từng loại hình TCTD thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Việc chỉ quy định phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại mà không quy định chuyển giao bắt buộc đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt là do ngân hàng thương mại là loại hình TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân, có quy mô, hoạt động lớn nhất, có tác động lớn nhất đối với sự an toàn của hệ thống TCTD so với các loại hình TCTD khác.