Sẽ xóa sổ nhà tái định cư?
Nhiều khu tái định cư (TĐC) ở Hà Nội, dù mới đưa vào sử dụng vài năm, các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Bộ Xây dựng đang đề xuất không cấp phép cho nhà TĐC và thay thế bằng nhà ở xã hội.
Thảm cảnh
Tại khu TĐC Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), hình ảnh những tòa nhà lem nhem, bong tróc, nứt ngang dọc không phải hiếm gặp. Tại tòa nhà A3, hệ thống cầu thang thoát hiểm (ngoài trời) lộ rõ các vệt hoen gỉ, gãy rời, bong hẳn khỏi tường tòa nhà. Những vết nứt kéo dài loằng ngoằng hằn rõ trên tường bên ngoài tòa nhà.
“Tường bên ngoài và bên trong căn hộ gia đình tôi nứt nhiều chỗ. Những hôm trời mưa, nước từ tầng trên nhỏ xuống tầng dưới, thấm như ở ngoài trời. Nhiều hôm mưa to, cả nhà tôi phải đi sơ tán vì nhà dột quá”, ông Nguyễn Viết Thắng sống tại tòa A3 cho biết.
Tường nứt lở, bong tróc xuất hiện tại nhiều khu nhà tái định cư ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Cách đó không xa là tòa nhà A1 trong tình trạng bị lún trầm trọng, khiến cho nhiều mảng gạch lát tại tầng 1 (nơi làm nhà để xe và sân chơi chung) bị “há mồm ếch”. Chị Đinh Ngọc sống tại nhà A1 nói: “Nền nhà lún rất nguy hiểm với trẻ con. Mang tiếng có sân chơi, nhưng tôi không dám cho con xuống tầng 1 chơi vì sẩy chân là cháu có thể ngã vào những vết gạch nứt sâu. Sợ lắm”.
Tình trạng tường, sân nứt toác, trần nhà thấm dột rất phổ biến tại nhiều khu TĐC ở Hà Nội. Chị Ngọc Thoa, tòa N14, nhà TĐC Dịch Vọng, Cầu Giấy nói rằng, gia đình rất bức xúc vì trần và tường bị thấm dột từ nhiều tháng qua nhưng không ai xử lý. “Mỗi lần trên tầng tắm rửa là y như rằng ở dưới, nhà tôi bị nước giội lên đầu”, chị Thoa phản ánh.
Thông tư 08 (2014) của Bộ Xây dựng quy định, trường hợp hộ gia đình, cá nhân tái định cư nhưng không có nhu cầu mua nhà tái định cư mà muốn mua, thuê nhà ở xã hội phải có đơn đề xuất vị trí dự án nhà ở xã hội, đề nghị UBND cấp quận, huyện xem xét, giải quyết. |
Không bị nứt toác như khu TĐC Đền Lừ, Dịch Vọng nhưng cư dân ở khu TĐC Nam Trung Yên (Cầu Giấy) phải đối mặt triền miên với cảnh mất nước. Cảnh người dân lũ lượt xách xô từ tầng 15 - 16 đi xin nước không còn là chuyện hiếm ở đây. “Những hôm không có nước phải đi sang các tòa nhà xung quanh xin. Chúng tôi chịu cảnh mất nước nhiều năm nay, nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết”, ông Nguyễn Minh Tuấn sống tại căn hộ 9014 nhà B10A khu Nam Trung Yên than phiền.
Nhiều hộ dân ở đây tìm mọi cách trữ nước như đặt bể nước trên tầng thượng, nhà vệ sinh... Những hộ không có điều kiện thì chứa nước trong bình, chậu rửa bát. Có hộ phải tận dụng cả phòng ngủ làm nơi chứa nước.
Một điểm chung khá phổ biến khác ở các khu nhà TĐC là thang máy hỏng hóc, hoạt động không hiệu quả. “Các nút ấn tầng thang máy phải dí nhiều lần mới hoạt động. Nhiều khách lạ vào thang máy ấn mãi không được đành quay ra đi cầu thang bộ”, anh Trần Đăng Hiếu, tòa nhà B11A khu Nam Trung Yên phản ánh.
Dù mỗi người dân khi về sống trong tòa TĐC đều được phát sổ bảo hành. Tuy nhiên, khi nhà xuống cấp, họ không biết kêu ai. Nhiều gia đình phải tự bỏ tiền ra sửa, nên cuốn sổ bảo hành vẫn trắng nguyên như khi vừa mới bàn giao.
Bình mới rượu cũ?
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý khu TĐC Đền Lừ, Dịch Vọng) cho biết, nhiều khu TĐC xuống cấp do không được bảo trì thường xuyên. Nhiều khu TĐC bán trước năm 2005 nên không có quỹ bảo trì để duy tu. Bên cạnh đó, ý thức của không ít người dân trong việc giữ gìn tòa nhà không tốt dẫn đến tình trạng nhiều chung cư TĐC hư hỏng nặng.
Để giải quyết bài toán chất lượng nhà TĐC mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ khái niệm “nhà TĐC” và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội có dành tỷ lệ nhất định căn hộ phục vụ TĐC.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, khi dự án được xây dựng với mục đích nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng công trình, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng đảm bảo hơn, đồng thời chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, giữ gìn tòa nhà của mình.
“Trước đây, nhà TĐC làm từ ngân sách nhà nước, đơn vị thi công xong bàn giao nhà cho Ban quản lý. Sau đó, Ban quản lý giao lại cho Cty Quản lý nhà Hà Nội. Giữa các đơn vị không thống nhất khiến nhiều khu TĐC rơi vào cảnh đem con bỏ chợ”, vị này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho rằng, việc thay thế nhà TĐC bằng nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề về diện tích căn hộ, mức giá, nhưng chất lượng nhà vẫn là câu hỏi lớn.
“Hiện nhiều nhà xã hội đưa vào sử dụng chất lượng còn kém không khác gì nhà TĐC. Vấn đề ở đây là quản lý từ khâu xây dựng đến hậu kiểm”, ông Ánh nói.