Sẽ lặp lại khủng hoảng tài chính châu Á?

Kể từ khi Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiết lộ ý định giảm quy mô gói nới lỏng định lượng, các thị trường mới nổi đã trải qua một cuộc thử thách nghiệt ngã.

Trong những tuần gần đây, các thị trường tại Jakarta, Mumbai, Bangkok đã cực kỳ biến động trước việc FED có thể sẽ giảm quy mô chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 9 tới, dẫn đến làn sóng rút vốn ào ạt.

Đồng tiền và thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã bị rơi rụng, đặc biệt là tại các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn với dòng vốn ra vào không ổn định. Indonesia, quốc gia có 10 năm tăng trưởng mạnh, nay cũng là nỗi bất an của nhà đầu tư khi đồng rupiah và thị trường chứng khoán giảm mạnh. Từ tháng 4 -7, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã phải bỏ ra gần 15 tỉ USD, tương đương 14% dự trữ ngoại hối, để ngăn đà suy giảm của đồng tiền này. Tuy vậy, đồng rupiah vẫn giảm gần 15% so với đồng USD kể từ tháng 5.

Sẽ lặp lại khủng hoảng tài chính châu Á? - 1

Đà giảm mạnh các nội tệ ở châu Á đã khiến nhiều người lo ngại khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 sẽ lặp lại.

Ấn Độ cũng là tâm điểm của thị trường khi vừa có mức thâm hụt tài khoản vãng lai cao vừa có thâm hụt tài khóa lớn. Do phụ thuộc quá lớn vào việc nhập khẩu năng lượng trong khi năng lực sản xuất hạn chế, Ấn Độ đã bị thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 5% GDP và thâm hụt tài khóa tương đương 10% GDP (bao gồm cả nợ của các chính quyền địa phương).

Đà giảm mạnh của đồng nội tệ ở nhiều thị trường mới nổi, đặc biệt tại châu Á, đã khiến nhiều người lo ngại có thể cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 sẽ được lặp lại. Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Triển vọng của các nền kinh tế châu Á u ám hơn trước rất nhiều. Không chỉ vì dòng vốn có xu hướng quay trở lại Mỹ, nơi lãi suất đang có xu hướng tăng, một số nền kinh tế châu Á cũng phải vật vã vì tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại.

Đã thế, giá dầu thô thế giới tuần qua tăng lên do thị trường lo ngại về khả năng Mỹ tấn công Syria, càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về triển vọng kinh tế của các nước châu Á. Các thị trường chứng khoán châu Á tuần qua đều rúng động. Ấn Độ là nước bị tác động nhiều nhất vì phải nhập khẩu dầu mỏ rất nhiều. Đồng rupee đã giảm gần 4% ngày 28.8, mức giảm lớn nhất nhiều năm qua, một phần là vì nguyên nhân này.

Tuy vậy, các nền kinh tế châu Á ngày nay có rất ít điểm chung với năm 1997. Thời kỳ đó, nhiều quốc gia có tỉ giá cố định và công ty nước họ lại nợ nước ngoài nhiều. Khi nội tệ giảm giá mạnh, các ngân hàng trung ương đã phải dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền của nước mình. Khi không còn giữ nỗi tỉ giá cố định, đồng tiền cũng sụp đổ và nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp tăng mạnh. Kết quả là Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đã phải nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ra tay cứu giúp mới có thể thoát hiểm.

Bức tranh ngày nay đã rất khác. Các nền kinh tế châu Á đều có tỉ giá linh hoạt, mức dự trữ ngoại hối cao hơn nhiều và hệ thống ngân hàng khỏe mạnh hơn trước.

“Chúng tôi không cho rằng cuộc khủng hoảng năm 1997 sẽ lặp lại. Nhiều nước đã không chủ tâm bảo vệ tỉ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối nữa. Tôi nghĩ sẽ không có nước nào phải cầu xin sự giúp đỡ của IMF”, Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế tại Standard & Poor’s, nhận xét.

Không chỉ Gruenwald, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cuộc khủng năm 1997 sẽ không lặp lại. Nhưng điều đó không có nghĩa sẽ không có một hình thức khủng hoảng khác xảy ra.

Một mối lo ngại là tăng trưởng của châu Á kể từ năm 2008 đều chủ yếu dựa trên tín dụng. Nợ công tại Trung Quốc thoạt nhìn có vẻ tương đối khiêm tốn, nhưng nếu tính tổng nợ thì đã lên tới tương đương 200% GDP, theo HSBC. Con số này đang bám gót mức nợ tương đương 233% GDP của Mỹ.

Không chỉ Trung Quốc, nợ tiêu dùng Thái Lan đã tăng từ mức tương đương 55% GDP lên tới 77% GDP kể từ năm 2008. Trong khi đó tại Singapore, mức nợ đã tăng từ mức tương đương 50% GDP lên tương đương hơn 2/3. Nợ hộ gia đình Malaysia cũng tương đương 80% GDP.

Cho đến giờ, nhìn chung đồng tiền tại nhiều nước vẫn khỏe mạnh. Chính vì vậy nhiều ngân hàng trung ương vẫn muốn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng càng lâu càng tốt. Việc này đang khuyến khích tín dụng tăng trưởng nhiều hơn. Đây chính là điều Michael Spencer, chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, lo ngại. “Nhiều người chưa bao giờ đi vay trước đó và họ có thể không hiểu hết chuyện gì sẽ xảy ra một khi lãi suất tăng lên”, ông nói.

Kevin Lai, chuyên gia kinh tế tại Daiwa Securities, cho rằng sẽ diễn ra một cuộc khủng hoảng lớn. “Đó là một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán, khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng nợ”, ông nói.

Hiện tại, tâm điểm chú ý đã rơi vào Ấn Độ và Indonesia. Theo ông Gruenwald, 2 nước này có thể xoa dịu nỗi lo ngại của thị trường không phải bằng cách kiểm soát vốn (như Ấn Độ đã làm) mà bằng việc thực hiện một cách mạnh mẽ các cải cách kinh tế. Ông cho rằng những biện pháp như vậy có thể thực hiện dưới hình thức giảm thâm hụt ngân sách. Và họ cũng có thể thu hút vốn nước ngoài nhiều hơn, đặc biệt qua việc cải thiện môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, cả Ấn Độ lẫn Indonesia lại đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử, nên sẽ không thực hiện những biện pháp do ông Gruenwald đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Hoa (Nhịp cầu đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN