“Sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo CPI”
“Khi đạt được mục đích rồi thì ta sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”...
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.
"Giờ phải có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đạt được mục đích rồi thì ta sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói về điểm mới nhất trong chính sách tiền lương của Bộ luật Lao động (sửa đổi), đó là làm rõ hơn khái niệm tiền lương và xác định tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Mức lương sẽ được tính trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng lao động, song vẫn có sự quản lý của Nhà nước thể hiện qua việc Nhà nước sẽ tổ chức Hội đồng Tư vấn tiền lương Quốc gia để công bố tiền lương tối thiểu.
Thưa ông, theo quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Vậy chúng ta xác định mức sống tối thiểu như thế nào?
Hiện nay, nước ta đã hoàn toàn tính được mức sống tối thiểu căn cứ vào các nhu cầu của người lao động. Có hai nhóm nhu cầu trong cuộc sống: lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm. Thường thì nhu cầu lương thực thực phẩm tính theo calo, ví dụ đảm bảo cho người lao động một ngày là 2.300 calo thì trong đó bao nhiêu % là về lương thực và bao nhiêu % là thực phẩm.
Từ nhu cầu về lương thực, thực phẩm, người ta tính về nhu cầu phi lương thực thực phẩm quy đổi. Mặt khác, cũng có cách xác định mức sống tối thiểu bằng cách tính chỗ ở, việc học hành, ăn mặc, giải trí.
Chúng ta đang điều chỉnh lương theo hai yếu tố. Một mặt là nâng dần lên mặt bằng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Hai là phải đảm bảo tiền lương thực tế. Giờ phải có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đạt được mục đích rồi thì ta sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động, làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn so với quy định của Chính phủ.
Khi đạt được mục đích rồi thì sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Nhưng thưa ông, thực tế hiện nhiều doanh nghiệp không thỏa thuận với người lao động mà họ chủ động áp đặt mức lương dựa theo quy định lương tối thiểu của Nhà nước nên người lao động luôn chịu thiệt?
Xin hỏi hệ thống công đoàn của chúng ta ở đâu?
Họ là đại diện quyền lợi của người lao động nên phải đấu tranh cho người lao động chứ. Tôi thật sự buồn khi tổ chức công đoàn hoạt động không hiệu quả, không đại diện đấu tranh cho người lao động lại còn nhiều khi đổ lỗi cho Nhà nước. Có một tiền lệ mà doanh nghiệp nào cũng phải sợ và né tránh, nếu trả lương thấp công nhân đình công thì anh thiệt hại nhiều. Ngược lại, nếu chăm sóc công nhân tốt thì họ sẽ làm việc có năng suất.
Được biết, sự góp mặt của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) bắt đầu hiệu lực từ tháng 5/2013 sẽ có sự nhằm tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu tăng và lộ trình tăng như thế. Xin ông cho biết vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong Hội đồng Tư vấn tiền lương Quốc gia và hội đồng này hoạt động có đi vào thực chất?
Hội đồng Tư vấn tiền lương Quốc gia sẽ thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị Chính phủ về ban hành mức lương tối thiểu. Lúc đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đóng hai vai, nếu thuộc Hội đồng Tư vấn tiền lương Quốc gia thì theo cơ chế hoạt động của Hội đồng, nếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì vẫn phải nghiên cứu, đề xuất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu.
Có thể phương án của Bộ trùng với Hội đồng nhưng cũng có thể khác và cần phải lý giải để đưa ra phương án chung. Hiện nay, việc thay đổi lương theo cơ chế 3 bên, nhưng chỉ là Chính phủ đưa ra phương án và lấy ý kiến đóng góp.
Khi thành lập Hội đồng Tư vấn tiền lương Quốc gia thì cơ chế sẽ khác. Bên cạnh các bên như nói trên, Hội đồng có thể mời thêm các chuyên gia phản biện để đi tới thống nhất phương án điều chỉnh lương kèm theo các phân tích, diễn giải.