Sáu năm chưa giao nền tái định cư
Từ năm 2007 đến nay, 70 hộ dân phải đi thuê nhà hoặc bỏ đi làm thuê khắp nơi vì cơ quan chức năng chưa giao nền đất tái định cư.
Năm 2007, khi xây dựng Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh, cơ quan chức năng đã thu hồi gần 24 ha đất của 70 hộ dân ở ấp Cây Cầy (xã biên giới Tân Hòa, Tân Châu, Tây Ninh) để giao cho Nhà máy xi măng Fico xây khu nhà cho cán bộ. Khi thu hồi, người dân được bồi thường 75.000-165.000 đồng/m2 với đất ở và 38.000-80.000 đồng/m2 với đất nông nghiệp. Ngoài mức bồi thường trên, người dân được mua nền tái định cư. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa nhận được nền còn các cơ quan chức năng thì đang tranh cãi về… giá đất!
Mỏi mòn chờ đợi
Tại ấp Cây Cầy, nhiều hộ dân cất nhà tạm bợ hoặc đi thuê nhà để ở vì hơn sáu năm qua, đất tái định cư vẫn còn nằm trên giấy.
Chị Trương Thị Mộng Tuyền ở ấp này kể: Sau khi chính quyền thu hồi đất, gia đình chị được mua một nền tái định cư. Đợi mỏi mòn, đến tháng 4-2012, gia đình nhận thông báo đóng 3 triệu đồng. Hai tháng sau, gia đình lại nhận thông báo đóng 20 triệu đồng (đợt 2) cho nền đất tái định cư. Không có tiền đóng, gia đình bấm bụng bán suất tái định cư cho người khác với giá 15 triệu đồng và đi làm mướn, thuê nhà ở. “Hồi chưa bị thu hồi, nhà có hai mẫu đất trồng mì và trồng mía, sống được chứ không cực như bây giờ” - chị Tuyền nói.
Hơn sáu năm qua, người dân ấp Cây Cầy vẫn chưa được vào khu đất tái định cư này vì cơ quan chức năng đang cãi nhau về giá đất. Ảnh: H.MINH
Còn chị Trần Thị Hiền ở ấp này đang có mối lo khác. Số là sau khi đóng 3 triệu đồng tiền cọc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Châu, gia đình không đủ tiền để đóng đợt 2 nên rất lo sẽ bị mất suất đất này…
Có rất nhiều gia đình rơi vào trường hợp tương tự, họ phải thuê nhà hoặc đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống sau khi bị thu hồi đất. Có khoảng một nửa trong số họ đã phải bán “đất non” cho người khác để trả tiền thuê nhà.
Vẫn cứ chờ…
Khi cơ quan chức năng thu hồi đất, số tiền hỗ trợ di dời cho bà con xấp xỉ với số tiền mua một nền đất tái định cư của dự án (từ 25 triệu đến gần 43 triệu đồng/nền) nhưng người dân chờ đợi quá lâu, số tiền hỗ trợ hụt dần nên phải bỏ đi làm mướn, bán “đất non”, mất cơ hội an cư.
Theo Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, việc giao đất cho các hộ dân chậm trễ là do UBND huyện Tân Châu thu hồi đất từ năm 2007 nhưng đến năm 2013 mới lập hồ sơ giao nền tái định cư.
Lý giải việc chậm trễ này, ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Châu, nói: Do chưa thống nhất được giá bán đất tái định cư cho người dân nên chậm trễ. Năm 2011, Công ty Xi măng Fico đề nghị tăng giá nền nhưng tỉnh không đồng ý, giữ nguyên mức giá cũ (hơn 110.000 đồng/m2). Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ 50% tổng chi phí đầu tư hạ tầng cho Công ty Xi măng Fico. Đến năm 2013, cơ quan thuế lại không chịu mức giá đất cũ, đề xuất mức 140.000 đồng/m2 theo bảng giá đất năm 2013. Lúc này thì chủ đầu tư (Công ty Xi măng Fico) lại không chịu vì phải nộp thêm tiền!
“Chúng tôi đang xin ý kiến của UBND tỉnh. Ngay khi UBND tỉnh cho chủ trương về giá đất, huyện sẽ thông báo để người dân ấp Cây Cầy nộp tiền và nhận nền ngay” - ông Bình nói.
Sau sáu năm thu hồi, giờ các cơ quan chức năng vẫn còn tranh cãi về giá đất tái định cư nên việc khiếu kiện về đất đai không tăng mới lạ!
Nếu điều chỉnh tăng giá nền, người dân được tái định cư phải đóng thêm tiền trong khi họ phải chờ từ năm 2007 đến nay. Do đó, phòng Công sản - Vật giá Sở Tài chính đề xuất tỉnh giữ nguyên mức giá đã được phê duyệt năm 2007 để nhà đầu tư thực hiện tài chính khi giao đất tái định cư cho các hộ dân. Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh ngày 28-8-2013 |