Sau khi Cường đô la rút lui, Quốc Cường Gia Lai còn lại gì?
Nhân sự cấp cao biến động và rắc rối pháp lý đang đẩy Quốc Cường Gia Lai vào tình cảnh khó khăn.
2018 là một năm đầy biến động đối với Quốc Cường Gia Lai khi công ty này liên tiếp gặp phải những rắc rối về pháp lý dự án và kết quả kinh doanh sụt giảm. Bên cạnh đó, cách đây không lâu, với lý do cá nhân, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) đã từ nhiệm cả hai vị trí thành viên HĐQT và Phó TGĐ tại QCG. Hiện ông Cường chỉ còn nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG, tương ứng tỷ lệ 0,2% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm 2018, doanh thu của QCG chỉ đạt 82 tỷ đồng, giảm 30%; lợi nhuận vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, bằng gần 1% so với cùng kỳ 2017. Lý do QCG đưa ra là chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng, nên doanh thu mảng này chỉ đạt 2,7 tỷ đồng.
Nhân sự cấp cao biến động và rắc rối pháp lý đang đẩy Quốc Cường Gia Lai vào tình cảnh khó khăn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của QCG đạt 519 tỷ đồng (giảm 24%) và lợi nhuận thu về 40 tỷ đồng (giảm 90%). So với kế hoạch đặt ra đầu năm, QCG chỉ đạt 29% chỉ tiêu doanh thu và 18% chỉ tiêu lợi nhuận.
Về cơ cấu tài sản, tại 30/9/2018, tài sản của QCG chủ yếu là hàng tồn kho và khoản phải thu. Theo đó, hàng tồn kho ở mức 7.297 tỷ đồng, chiếm hơn 73% tài sản ngắn hạn. Tài sản ở bất động sản dở dang là 6.848 tỷ đồng, chiếm 94% hàng tồn kho, riêng dự án Phước Kiển là 4.803 tỷ đồng.
Trước đó, QCG đã nhận khoản tiền tạm ứng 2.882 tỷ đồng của Sunny cho dự án Phước Kiển với điều kiện đến tháng 10/2017 phải giải tỏa xong dự án, nếu không, Sunny sẽ lấy hết khu đất này, hoặc doanh nghiệp phải đền cho đối tác 100 triệu USD.
Số tiền trên được QCG dùng để trả toàn bộ nợ cho BIDV Quang Trung, tuy nhiên đến hiện tại QCG chưa hoàn tất chuyển nhượng cho Sunny so vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của QCG đạt 666 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu kỳ. Trong đó, chi phí nằm phần lớn ở dự án Thủy điện Ayun Trung (423 tỷ đồng) và dự án nông trường cao su (226 tỷ đồng).
Về cơ cấu nợ, tổng nợ của QCG đã tăng thêm 1000 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận ở mức 8.379 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 7.919 tỷ đồng, phần phải trả ngắn hạn chiếm phần lớn khi ghi nhận ở mức 6.492,5 tỷ đồng. Cụ thể, khoản tiền nhận từ Sunny là 2.882 tỷ đồng, phải trả bên thứ ba 1.338 tỷ đồng, phải trả bên liên quan 2.271 tỷ đồng.
Hiện QCG đang đi vay ngân hàng với tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản, thủy điện, dự án trồng cao su. Trong đó, các dự án có giá trị lớn nhất của QCG là dự án Phước Kiển, Decapella Quận 2, Lavida Tân Phong hay Marina Đà Nẵng.
Ngoài ra, đối với các dự án bất động sản đang triển khai, QCG cũng gặp phải nhiều rắc rối về pháp lý. Vào tháng 8/2018, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 3767 về việc tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại - Dịch vụ Đường 2/9, quận Hải Châu, dự án này do QCG làm chủ đầu tư. Nguyên nhân là QCG chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án, dù được Sở Xây dựng phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ngày 30/3/2016 và Sở Công thương thẩm định thiết kế bản vẽ thi công ngày 14/10/2016.
Trước đó, QCG cũng đã phải trả lại lô đất 32,2 ha tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) cho Công ty Tân Thuận và hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Như vậy, có thể thấy tài sản của Quốc Cường Gia Lai đang nằm chủ yếu tại các dự án bất động sản dở dang, trong khi đó nợ phải trả lại tiếp tục tăng cao so với đầu năm. Với tình hình như vậy, cổ phiếu QCG xuống mức trên 5250 đồng vào phiên 5/12, mức giá thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2017.
Cũng giống như Sabeco, tình trạng doanh thu tăng lợi nhuận giảm cũng xảy ra tương tự với Thaibev.