Sau bê bối đất Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai lại thất hứa với cổ đông?

Sau những lùm xùm xung quanh việc chuyển nhượng trái phép khu đất rộng hơn 32 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) từ công ty Tân Thuận cho công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), ban lãnh đạo công ty dự kiến phải tiếp tục đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ phía cổ đông khi chưa thể hoàn thành bất kỳ chỉ tiêu kinh doanh nào được đặt ra và nối tiếp chuỗi thất hứa của Công ty này lên 7 lần kể từ năm 2011.

Dù tại ĐHCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2017 đạt 2.500 tỷ, tăng 57% và lãi ròng tăng vọt lên 720 tỷ đồng. Kế hoạch lãi này tăng tới 11 lần so với 2016 với kỳ vọng từ việc chuyển giao dự án Phước Kiển.

Song trước thềm ĐHCĐ thường niên 2018, theo đánh giá của HĐQT Quốc Cường Gia Lai, khép lại năm 2017, Công ty đã thực hiện gần 52% kế hoạch tổng doanh thu, tương ứng 1.290 tỷ đồng và 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng 508,8 tỷ đồng. Còn khu đất nông nghiệp trên 32,4ha tại xã Phước Kiển, Nhà Bè (TP.HCM) mà Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bị Thành ủy TP.HCM đánh giá không đúng quy định. Sau đó, hai bên đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng.

Mắc kẹt với thương vụ chuyển nhượng đất Phước Kiển

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đạt gần 351 tỷ đồng doanh thu và 46 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 30,5% và 617% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của Công ty này, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ là do Công ty đẩy mạnh việc bán hàng hơn. Báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai cũng, cho thấy doanh thu chủ yếu tới từ bất động sản, chiếm tới hơn 308 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ bán hàng hóa và bán điện.

Trong đó, dự án khu căn hộ cao cấp De Capella và dự án liền kề Marina Đà Nẵng tiếp tục được mở bán và đem lại doanh thu và lợi nhuận chính cho công ty này trong quý vừa qua.

Theo báo cáo tài chính thì lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai vẫn giữ ở mức hơn 6431 tỷ đồng, là các bất động sản dở dang chủ yếu ở dự án khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) chiếm hơn 5.105 tỷ đồng. Liên quan đến dự án này, theo Quốc Cường Gia Lai, tính đến quý I.2018 đã nhận tiền của Sunny Insland cho dự án này là 2.882,8 tỷ đồng.

Sau bê bối đất Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai lại thất hứa với cổ đông? - 1

Dự án Khu dân cư Phước Kiển nằm giáp Rạch Ông Lớn và Rạch Đĩa, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (Ảnh: Zing)

Cũng liên quan tới khu đất nông nghiệp trên 32,4ha tại xã Phước Kiển, Nhà Bè (TP.HCM) mà Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận) - doanh nghiệp 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Đây được biết đến là một trong những dự án lớn nhất và cũng có quỹ đất lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai.

Sau những lùm xùm xung quanh việc chuyển nhượng lô đất này, chiều tối ngày 4.6.2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã ra thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm, kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm tại Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận) về vai trò, trách nhiệm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.

Trước đó, trong các ngày 3, 4 và 6.5, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã họp và có một số nội dung kết luận về vụ việc chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Theo đó, việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2theo hợp đồng ngày 5.6.2017 là không đúng với thẩm quyền quy định tại điều 3 và điều 6 Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố (Ban Thường vụ quyết định chuyển nhượng sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất).

Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá là trái với Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 của Chính phủ; không đúng với Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về giá đất.

Vì vậy, ngày 18.4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Sau đó, hai bên đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng và không gây thiệt hại kinh tế cho Công ty Tân Thuận.

Tiếp tục lỗi hẹn với kế hoạch kinh doanh

Theo đánh giá của HĐQT Quốc Cường Gia Lai, khép lại năm 2017, Công ty đã thực hiện gần 52% kế hoạch tổng doanh thu, tương ứng 1.290 tỷ đồng và 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng 508,8 tỷ đồng.

Trong năm 2017 Công ty vẫn tiếp tục thi công hoàn thiện những dự án như dự án Marina Đà Nẵng, dự án chung cư De Capella, dự án Central Premium, LAVIDA… Mặc dù vậy, một số dự án đã bàn giao không đúng kế hoạch như dự án Marina và một số dự án do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng.

Song con số lãi ròng hơn 405 tỷ đồng đạt được trong năm 2017 là nhờ Quốc Cường Gia Lai đã quyết định thoái vốn tại Công ty CP BĐS Hiệp Phú & Công ty TNHH Sparkle Value Home, giúp doanh thu tài chính tăng 321,5 tỷ đồng, tương đương 298%.

Như vậy, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa thể hoàn thành bất kỳ chỉ tiêu nào được đặt ra và nối tiếp chuỗi thất hứa của Công ty này lên 7 lần kể từ năm 2011.

Sau bê bối đất Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai lại thất hứa với cổ đông? - 2

Lợi nhuận trước thuế trong thực tế và kế hoạch Quốc Cường Gia Lai đặt ra trong giai đoạn 2011-2017 (Ảnh: I.T)

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản đã tăng thêm khoảng 40% so với hồi đầu kỳ, ghi nhận 11,408 tỷ đồng. Việc tăng tài sản ngắn hạn chủ yếu do đẩy mạnh bán hàng, nhưng chưa ghi nhận doanh thu do chưa bàn giao nhà.

Tổng nợ vay ngân hàng tại thời điểm ngày 31.12.2017 là 485.8 tỷ đồng, chiếm 4.3% tổng nguồn vốn, giảm 1,383.6 tỷ đồng so với năm 2016, tương ứng giảm 74%.

7 lần thất hứa với cổ đông

Như đã trình bày phía trên, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa hoàn thành bất kỳ chỉ tiêu kinh doanh nào được đặt ra và nối tiếp chuỗi lần thất hứa của Tập đoàn này lên 7 lần kể từ năm 2011.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2017 đạt 2.500 tỷ, tăng 57% và lãi ròng tăng vọt lên 720 tỷ đồng. Kế hoạch lãi này tăng tới 11 lần so với 2016 với kỳ vọng từ việc chuyển giao dự án Phước Kiển. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức năm 2017 tỷ lệ 25%, bao gồm 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2011 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền.

Theo đó, ban lãnh đạo Công ty muốn "lấy lại phong độ của quá khứ trong nay mai" nếu thị trường bất động sản (BĐS) diễn biến tích cực như hiện nay.

Nhưng sự thật là Quốc Cường Gia Lai đã liên tiếp thất hứa với cổ đông. Năm 2016, doanh nghiệp tiếp tục không đạt chỉ tiêu lãi ròng đề ra. Trong khi tại ĐHCĐ 2016, bà Như Loan từng khẳng định kế hoạch lợi nhuận và cam kết nếu không thực hiện được sẽ chịu trách nhiệm với cổ đông.

Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai đạt 1.588 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế gần 45 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với 2015. Song con số này mới chỉ đạt gần 64% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (kế hoạch là 100 tỷ đồng). Và đó là lần thất hứa thứ 6 kể từ năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN