Sắp tới, lãi suất cho vay sẽ giảm?
Lãi suất cao, doanh nghiệp không dám mạnh tay vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, dẫn đến nhiều ngân hàng thương mại dư thừa vốn, đòi phải giảm lãi suất để khơi thông dòng tiền.
Dù trần lãi suất huy động vẫn được Ngân hàng (NH) Nhà nước giữ ở mức 8%/năm nhưng gần đây, các NH thương mại liên tục điều chỉnh hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng. Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng mức lãi suất cho vay cũng sẽ giảm sâu hơn nữa để bớt gánh nặng chi phí.
Hạ lãi suất huy động vì thanh khoản dồi dào
Đi đầu trong việc hạ lãi suất huy động là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). NH này vừa bất ngờ công bố lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng chỉ còn 7,5%/năm, sau khi hạ xuống 7,8%/năm vài ngày trước. Ở kỳ hạn dài từ 12-60 tháng, lãi suất tiền gửi cũng giảm về 9,5%/năm. Tại NH TMCP Á Châu (ACB), lãi suất huy động từ 1-9 tháng được điều chỉnh giảm xuống mức 7,8%/năm...
Một số NH thương mại thường có mức lãi suất huy động kịch trần nay cũng điều chỉnh hạ lãi suất đầu vào. Tại NH TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất kỳ hạn từ 1-11 tháng chỉ còn 7,92%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng là 11,3%/năm… Nhiều NH khác cũng đã kéo lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng xuống quanh mức 10,5%/năm.
Vietcombank vừa giảm lãi suất huy động xuống còn 7,5%/năm. Ảnh: HỒNG THÚY
Đại diện Vietcombank cho biết NH chỉ hạ lãi suất kỳ hạn ngắn để cơ cấu lại kỳ hạn gửi tiền trong điều kiện thanh khoản tốt, tỉ giá và mặt bằng lãi suất ổn định trong thời gian qua. Theo đó, NH khuyến khích khách hàng gửi kỳ hạn dài từ 3 tháng trở lên, thậm chí là 12 tháng trở lên để có nhiều nguồn vốn phục vụ cho DN vay trung, dài hạn.
Nhận định xu hướng hạ lãi suất huy động hiện nay, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Trương Đình Long cho rằng thanh khoản các NH đang khá dồi dào, huy động vốn vẫn tăng tốt nhưng tín dụng của nền kinh tế tăng chưa tương xứng. Vốn huy động vào mà không cho vay ra được buộc các NH phải kéo giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN. “Quan trọng hơn, tiền gửi từ dân cư vào hệ thống NH vẫn tốt khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng không còn hấp dẫn nên NH không quá lo về thanh khoản... Lãi suất đầu vào giảm còn là tín hiệu tốt để hạ lãi suất cho vay” - ông Long phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, quan trọng là các NH cần hạ lãi suất cho vay, thu hẹp khoảng chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra. Chẳng hạn, lãi suất huy động hiện nay khoảng 8%/năm, lãi suất đầu ra cần hạ về mức 11%-12%/năm là DN có thể chịu đựng được.
Đầu ra vẫn quá cao!
Theo NH Nhà nước, hiện lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên từ 9%-12%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác phổ biến từ 11%-15%/năm kỳ hạn ngắn.
Vietcombank vừa giảm lãi suất huy động còn 7,5%/năm. Ảnh: HỒNG THÚY
Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN TPHCM, nhiều DN nhỏ và vừa hiện vẫn phải vay với mức lãi suất trên 15%/năm, thậm chí một số DN vay lãi suất vẫn từ 18%/năm. Chỉ một số ít DN lớn mới tiếp cận được mức lãi suất từ 10%-12%/năm. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết do vốn lưu động của các DN đều trông chờ vào nguồn tín dụng từ NH nên dù phải vay với lãi suất từ 15%-18%/năm, nhiều DN vừa và nhỏ vẫn chấp nhận để có vốn hoạt động cầm cự.
“Theo quy luật cung cầu, khi tín dụng âm, không tăng trưởng được thì lẽ ra các NH phải hạ lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu vay vốn từ DN. Nhưng NH vẫn neo lãi suất, phải chăng vì tâm lý chờ được cứu “cục nợ xấu” khổng lồ, cho vay lãi suất cao để bù đắp…?” - ông Hưng nhận xét.
Tại buổi họp giữa ngành NH và DN ở Đà Nẵng hôm 20-3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng tình trạng DN khó khăn là do chủ yếu sử dụng vốn vay NH nên khi lãi suất cho vay tăng, DN rất khó xoay trở. Thời gian tới, khả năng ngành NH sẽ hạ lãi suất cho vay xuống thêm 2 - 3 điểm phần trăm, phấn đấu sắp tới sẽ về dưới 13%/năm.
Đề phòng biến động không tốt
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nếu nhìn vào kỳ vọng kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 6%, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm. Nhưng thực tế, lạm phát đã tăng trở lại trong 2 tháng đầu năm. Các tháng tiếp theo, nhiều gói giải cứu về tăng tín dụng, giảm thuế của Chính phủ được triển khai sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Đồng thời, giảm lãi suất sẽ khó thu hút nguồn vốn từ dân cư khiến tín dụng ra nền kinh tế cũng gặp khó. Nguy hiểm hơn, khi hạ lãi suất huy động mà NH Nhà nước không kiểm soát tốt thì tình trạng lách trần lãi suất có nguy cơ tái diễn, gây rối loạn thị trường và bùng nổ cuộc đua ngầm lách lãi suất như trước đây. Lúc này, lãi suất cho vay có khả năng tăng cao càng gây khó khăn cho DN. |