Sáp nhập NH: Gian nan xử lý nợ xấu

Kể từ thương vụ hợp nhất đầu tiên vào năm 2011, đến nay đã có 5 ngân hàng sáp nhập để nâng cao vốn điều lệ, tổng tài sản, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, trong đó gian nan nhất là xử lý đống nợ xấu.

Sức mạnh của sáp nhập

Bắt đầu từ cuối năm 2011, vụ hợp nhất đầu tiên đã diễn ra giữa ba ngân hàng: TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Đệ Nhất (FicomBank) thành Ngân hàng SCB. Hai tháng gần đây, hoạt động sáp nhập, hợp nhất của các ngân hàng, tổ chức tín dụng diễn ra sôi động hơn. Chỉ trong tháng 9/2013, đã có hai cuộc đại hội cổ đông để thống nhất phương án sáp nhập, hợp nhất. Đó là Ngân hàng TMCP phát triển TP HCM (HDBank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và Tổng công ty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). 

"Các phương án sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thời gian qua đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Xu hướng sáp nhập, hợp nhất này diễn ra không chỉ ở các tổ chức tín dụng yếu kém mà giữa các ngân hàng lành mạnh với nhau. Điều này chứng tỏ nhận thức về tái cơ cấu ngân hàng, tư duy quản trị của các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi căn bản theo hướng thừa nhận sự tất yếu khách quan phải tái cơ cấu để vượt qua những hạn chế, yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Ông Bùi Huy Thọ Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước)

Như vậy, cùng với vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) tháng 8/2012; vụ thống nhất sáp nhập giữa Eximbank và Sacombank tháng 1/2013... đến nay đã có 5 ngân hàng sáp nhập, hợp nhất. Hậu sáp nhập, các ngân hàng mới đều được đứng vào hàng ngũ những ngân hàng TMCP lớn với tổng tài sản, vốn điều lệ tăng vọt, mở rộng được số lượng các điểm giao dịch và khách hàng tiềm năng, hoạt động kinh doanh vì thế phát triển thuận lợi hơn. Như Ngân hàng SHB sau sáp nhập đã có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, với 329 điểm giao dịch tại 27 tỉnh, thành trong cả nước và chi nhánh tại Lào, Campuchia với gần 2 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng HDBank nâng vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng, với hơn 200 điểm giao dịch trên cả nước. PVcomBank có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, 102 điểm giao dịch trên khắp cả nước…

Theo ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), khi các ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng sẽ hạn chế. Nhiều ngân hàng yếu kém dễ bị tổn thương trước các cú sốc đến từ nền kinh tế trong và ngoài nước và sẽ áp dụng nhiều hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh như vượt trần lãi suất huy động, lách trần tín dụng... Do đó, việc các NHTM sáp nhập, hợp nhất là một giải pháp tái cơ cấu cần thiết nhằm giúp ngân hàng đó lớn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giúp cả hệ thống ngân hàng phát triển và cạnh tranh lành mạnh hơn…

Sáp nhập NH: Gian nan xử lý nợ xấu - 1

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) trở thành ngân hàng TMCP lớn với tổng tài sản, vốn điều lệ tăng vọt.

Gian nan nhất là xử lý đống nợ xấu 

TS. Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ phương án sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng để có được những thế mạnh tốt nhất, nhưng cũng lưu ý mỗi ngân hàng cần cân nhắc, đánh giá đúng thực lực của mình trước khi ra quyết định sáp nhập, hợp nhất. Bởi theo TS. Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng không hề đơn giản, do những phức tạp khi kết hợp con người, công nghệ, chi nhánh và thương hiệu. Việc quản trị các ngân hàng hậu sáp nhập, hợp nhất đòi hỏi một trình độ cao hơn rất nhiều so với việc điều hành một ngân hàng bình thường.

TS. Kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định, xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới và đây là xu hướng tốt để phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam theo hướng giảm về số lượng, tăng về quy mô và chất lượng, đảm bảo việc phát triển vững chắc trong tương lai. Nhưng các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, trong đó gian nan nhất là xử lý đống nợ xấu. Bởi khi ngân hàng hợp nhất, sáp nhập thì nợ xấu cũng được hợp nhất, sáp nhập theo, khiến khoản nợ xấu lớn hơn, đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu cũng gian nan hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN