Sắp có một con số nợ xấu chính xác!

Kể từ ngày 1.6.2013, thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, trích lập sử dụng dự phòng rủi ro sẽ chính thức có hiệu lực. Sự ra đời của thông tư 02 kỳ vọng là bước tiến dài trong việc xác định cũng như giám sát nợ xấu hệ thống NH tốt hơn.

PV đã phỏng vấn với TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH - cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV - về vấn đề này.

Thưa ông, NHNN vừa ký quyết định ban hành thông tư 02/2013 về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro thay cho Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN trước đây. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Trước tiên phải khẳng định thông tư 02 mới được ban hành so với QĐ 493 có nhiều điểm tiến bộ. Trong đó có 3 điểm thay đổi lớn là phạm vi xác định, phân loại nợ và phương pháp xác định, phân loại nợ (trong đó có nợ xấu). Về phạm vi xác định; so với hiện nay thì quy định mới đã bổ sung thêm phần đầu tư vào trái phiếu DN, cho vay liên NH, đầu tư tiền gửi cả trong và ngoài nước, ủy thác cấp tín dụng v.v... Về mặt phương pháp, với thông tư 02, các TCTD phải sử dụng đồng thời, thống nhất cả định tính và định lượng. Như thế thống nhất cách phân loại nợ giữa các TCTD. Thứ ba, quy định mới thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc minh bạch hóa và nâng cao chất lượng tiết lộ thông tin, chính xác hơn và sát với thông lệ quốc tế hơn.

Theo thông tư 02, phương pháp và nguyên tắc phân loại nợ có nhiều thay đổi, theo đó các TCTD ngoài việc tự phân loại nợ còn phải sử dụng kết quả phân loại của Trung tâm thông tin tín dụng - CIC cung cấp để điều chỉnh theo hướng nếu mức độ rủi ro do TCTD phân loại thấp hơn của CIC thì phải sử dụng kết quả của CIC. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Theo tôi điều này trước hết thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc phân loại nợ một cách thận trọng và thống nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những bất cập. Ví dụ liệu thông tin của CIC chính xác tới mức độ nào? Phương pháp đánh giá, phân loại và cách hiểu có đảm bảo chuẩn nhất đảm bảo “tâm phục, khẩu phục”?. Điều này không phải dễ dàng.

Hay trong trường hợp đồng tài trợ của các TCTD theo như yêu cầu của NHNN thì phải xếp hạng rủi ro tín dụng theo mức độ cao nhất của TCTD tham gia cấp vốn phân loại. Điều này cũng sẽ tạo ra vướng mắc cho các TCTD. Bởi lẽ mối quan hệ giữa khách hàng với các TCTD khác nhau, dẫn đến ứng xử của TCTD với khách hàng có thể khác nhau, không thống nhất. Có thể là quan hệ tốt với TCTD này nhưng chỉ có mối quan hệ sơ sài với TCTD khác. Như thế thì việc đánh giá phân loại nợ của các TCTD khác nhau với cùng 1 khách hàng chắc chắn sẽ khác nhau.

Quan điểm của tôi thì với trường hợp cấp tín dụng hợp vốn thì phân loại nợ của các TCTD nên theo phân loại của TCTD đầu mối. Rõ ràng là khi đồng tài trợ dự án bao giờ cũng có 1 TCTD đầu mối (chủ trì), thường đây cũng là TCTD cho vay, cam kết nhiều nhất. Như vậy phân loại nợ theo TCTD đầu mối với tính chất “đa số” cũng là hợp lý. Hay trong trường hợp một DN vay tại nhiều TCTD thì mối quan hệ giữa DN và TCTD khác nhau cũng khác nhau. Như thế để phân loại nợ thống nhất thì NHNN có thể là người quyết định cuối cùng; tuy nhiên, khi đó NHNN cần có phương pháp, thông tin phân loại đạt chuẩn, tạo độ tin cậy cao hơn.

Theo ông sau khi thông tư 02 được áp dụng, tỉ lệ nợ xấu có tăng trở lại không? Bởi mới đây theo NHNN thì tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 8,8% xuống còn 6%?

- Theo tôi thì không phải là nợ xấu quay lại mà sau khi áp dụng thông tư 02 thì NHNN sẽ có được con số nợ xấu thống nhất, chính xác và thực chất hơn. Tất nhiên là khi đó thì có khả năng tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng lên.

Liệu các TCTD có thể sợ nợ xấu tăng lên mà tìm cách lách không?

- Theo tôi là khó vì thông tư 02 quy định khá chặt chẽ. Nếu cố tình phân loại sai thì dễ bị phát hiện bởi cơ quan chức năng. Ví dụ, những khoản cấp tín dụng cho 1 DN nào đó; nếu TCTD này xếp loại ở mức quá khác biệt so với TCTD khác, sẽ dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, có được con số nợ xấu chính xác luôn là một thách thức, kể cả đối với những nước phát triển, vì dù sao vẫn có yếu tố chủ quan trong quá trình phân loại . Về quan điểm cá nhân tôi ủng hộ việc áp dụng thông tư 02. Đây cũng nằm trong lộ trình tái cơ cấu các TCTD. Cũng như nhiều nước trong quá trình tái cơ cấu NH, song song với việc siết chặt quản lý cấp phép thành lập mới là việc siết chặt quy định, quy trình hoạt động và quản lý rủi ro của các TCTD. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Sơn (Báo Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN