Sao nhiều doanh nghiệp vẫn “kết” BĐS?
Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngập chìm trong khó khăn, nợ nần, thì không ít doanh nghiệp khác vẫn khao khát sở hữu một dự án nhà ở.
Đây cũng là một điều khá lạ, bởi thị trường đang được cho là ngày càng khó khăn với thời điểm hồi phục dự kiến phải mất nhiều năm. Thế nên, với việc không ít doanh nghiệp vẫn mong muốn “sa chân” vào bất động sản, càng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về chuyện kêu lỗ của doanh nghiệp địa ốc trong thời gian qua nhằm mục đích gì?
Cấp tập xin làm dự án mới
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng nay, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành chức năng đã nhận được khá nhiều hồ sơ của doanh nghiệp xin “xây nhà để bán”. Điều đáng nói là hầu hết các doanh nghiệp trong số đó lại đều là những doanh nghiệp nghe tên đã thấy không liên quan gì đến bất động sản, xây dựng.
Đơn cử như mới đây, trên cơ sở đề xuất của Công ty Cổ phần Lắp máy tại phường Phú Thượng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình UBND thành phố phê duyệt dự án nhà ở thương mại và tái định cư của doanh nghiệp này tại phường Phú Thượng, quận Tây hồ.
Theo đó, cơ quan này kiến nghị UBND thành phố cho phép công ty nói trên được sử dụng 10.773 m2 đất tại phường Phú Thượng để thực hiện dự án nói trên, quy hoạch thành hai khu, trong đó khu A sẽ xây dựng nhà chung cư cao tầng lẫn nhà thấp tầng và Khu B của dự án sẽ xây dựng nhà vườn thấp tầng trên diện tích hơn 700 m2.
Đằng sau những lời kể khổ, cầu cứu của doanh nghiệp bất động sản vẫn là số doanh nghiệp báo lãi vượt trội - Ảnh minh họa.
Tiếp đó, Công ty Cổ phần Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội cũng đã có công văn gửi UBND Thành phố xin được lập tổng mặt bằng và phương án thiết kế cho dự án nhà ở để bán tại số 29, ngõ 218 Lĩnh Nam (Hoàng Mai). Lô đất này có diện tích hơn 3.500m2.
Thậm chí, theo lý giải của một lãnh đạo Công ty này thì dù đã được Thành phố chấp thuận chủ trương di dời, chuyển mục đích sử dụng đất từ hơn 1 năm trước, song đến nay khát khao có một dự án nhà ở để bán tại khu đất nói trên vẫn chưa thể thành hiện thực. “Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng kinh doanh cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chúng tôi”, vị lãnh đạo này nói.
Còn với Công ty Phát triển du lịch Long Biên, dù mảng mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại đang có những dự báo không mấy sáng sủa cho những năm tới do sự khó khăn của nền kinh tế, song doanh nghiệp này sau khi đã thỏa thuận với một công ty của Bộ Quốc phòng đã đệ trình Thành phố Hà Nội thu hồi 1.007m2 đất tại 341 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) để giao cho mình xây trung tâm thương mại. Tất nhiên, khi lập dự án, doanh nghiệp nào cũng đưa ra được những lý lẽ thuyết phục cũng như một triển vọng sáng cho dự án mình sắp sửa đầu tư.
Đấy là những doanh nghiệp được cho “chẳng liên quan gì đến bất động sản”, nhưng việc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội 22 mới đây cũng trình UBND Thành phố chuyển mục đích sử dụng của hơn 1.000 m2 đất tại khu Ba Hàng B (quận Hoàng Mai), để thực hiện đầu tư dự án nhà ở để bán, đã khiến cho không ít người phải đặt câu hỏi về thực hư của thị trường bất động sản hiện nay.
Đấy là chưa nói đến nhiều doanh nghiệp địa ốc “xịn” như Indochia Land, Bitexco, Constremxim...đều đang ấp ủ những dự án nghìn tỷ, dự kiến sẽ khởi công, mở bán trong một vài tháng tới.
Khó mà lỗ được
Chia sẻ với PV về những chuyện được cho là “ngược đời” trên, ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp xây dựng Lai Châu - chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản, cho rằng, thực chất doanh nghiệp bất động sản khó mà lỗ được, thậm chí là vẫn lãi nếu biết cân đối và tiết kiệm các chi phí đầu vào.
Chỉ có điều, theo ông Thản, trong bối cảnh hiện nay, do thanh khoản trên thị trường bị sụt giảm, bán hàng khó khăn nên ít nhiều các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khăn về vốn xoay vòng.
“Về tổng thể, đầu tư dự án bất động sản không thể lỗ được vì giá bán nhà hiện nay vẫn khá cao, doanh nghiệp vẫn có lãi”, vị này khẳng định.
Đồng quan điểm đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, doanh nghiệp bất động sản, nhất là ở phía Bắc vẫn có lãi vì họ huy động vốn chủ yếu là mua bán nhà trên giấy. Chính vì thế, lỗ vào vốn của họ, họ không phải chịu. Họ chỉ cần bỏ ra một khoản nhất định để có được dự án. Còn bán được nhà thì họ xây, không bán được thì để đấy.
Cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp lỗ chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là huy động vốn để góp vốn với doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp chủ dự án. Tức là các doanh nghiệp “trên không chằng, dưới không rễ”, tồn tại nhờ việc đi bám vào doanh nghiệp lớn để có lãi. Những doanh nghiệp đi vay ngân hàng quá nhiều để làm dự án thì sẽ chịu áp lực lớn và có thể lỗ.
“Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu, được hỗ trợ”, ông Võ nhấn mạnh.
Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31/12/2012, trong tổng số 55.870 doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản đang hoạt động thì số doanh nghiệp có lãi cũng chiếm đến 37.197 doanh nghiệp.