Sáng lập công ty hàng tỷ đô nhưng CEO này không hề vội mua nhà
Nhà sáng lập 32 tuổi của công ty vận chuyển GoGoVan không mua nhà nhưng hoàn toàn tự hào về điều này.
Trong 5 năm kể từ khi thành lập nền tảng kho vận theo yêu cầu, Steven Lam đã chứng kiến bước chuyển mình của công ty từ văn phòng nhỏ bé ở bán đảo Cửu Long, Hồng Kông thành công ty hàng tỷ đô với hơn 2000 nhân viên và 8 triệu tài xế. Tuy vậy, hiện anh vẫn đang thuê một căn hộ tại quận dành cho người thu nhập thấp, nơi anh lớn lên. Anh không hề vội vàng mua nhà, trên thực tế, chỉ đến năm ngoái sau khi kết hôn anh mới dọn ra khỏi nhà của bố mẹ.
Lam nói với CNBC: “Tôi chỉ cần một nơi để ở, nhà không phải là khoản đầu tư với tôi”.
Quan điểm này khá kỳ lạ, bởi theo nghiên cứu gần đây, mua nhà được coi là mục tiêu hàng đầu của thế hệ trẻ. Và theo như triệu phú tự thân David Bach, không ưu tiên mua nhà là “sai lầm lớn nhất” của đời người. Nhưng với Lam, sở hữu nhà không phải là ưu tiên của anh.
Công việc kinh doanh ấn tượng của GoGoVan không trực tiếp phản ánh tài sản của Lam. Công ty khởi nghiệp non trẻ này vẫn được hỗ trợ rất nhiều từ tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Thậm chí, khi có nhiều tiền, Lam vẫn cho rằng anh sẽ đầu tư vào những nơi khác. Lam nói: “Nếu tôi có tiền, tôi sẽ đầu tư vào những ý tưởng khởi nghiệp khác, thay vì mua một căn nhà”.
Anh nói: “Tôi xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp. Dù tôi tốt nghiệp Đại học Berkeley, nếu tôi có công việc tốt và bắt đầu tiết kiệm tiền, việc này sẽ mất 10 năm trước khi tôi có thể mua một căn nhà. Sau 10 năm bạn có nhà, nhưng rồi có gì nữa? Câu hỏi đó có lẽ sẽ không có câu trả lời”.
Chân dung nhà sáng lập GoGoVan.
Đầu tư vào Hồng Kông
Đối với Lam, đầu tư vào cơ hội kinh doanh thì có lợi hơn. Anh hiểu đây không phải xu hướng chính của đa số mọi người bởi nhiều rủi ro, đặc biệt là ở Hồng Kông, các công ty khởi nghiệp thường thiếu vốn để phát triển. Đây cũng chính là những gì Lam phải trải qua những ngày đầu tiên khởi nghiệp GoGoVan. Sau khi góp chung tiền tiết kiệm với những thành viên sáng lập khác, họ gặp khó khăn khi xin hỗ trợ từ bạn bè, gia đình bởi khoản đầu tư đó rất mạo hiểm.
Tuy nhiên, đây là điều anh muốn thay đổi bởi anh muốn chứng minh tiềm năng của Hồng Kông bằng cách xây dựng nên một công ty thịnh vượng. Khi so sánh Hồng Kông với những nơi phát triển khác như Thung lũng Silicon và Singapore, Lam nói: “Việc này giống như tất cả mọi người đi học đại học còn chúng tôi ở đây đang học mẫu giáo vậy”.
Thay đổi định kiến
Lam không muốn áp đặt lý tưởng của mình lên người khác. Anh chia sẻ: “Mỗi người đều có giấc mơ riêng của mình. Nếu giấc mơ của bạn là có nhà cửa, hay làm giàu bằng đầu tư vào bất động sản, điều này cũng rất tốt. Còn tôi, tôi lựa chọn con đường mà hầu hết mọi người không muốn đi, đó là sở hữu một công ty”.
Nhưng anh hy vọng có thể thay đổi quan niệm về mối quan hệ giữa thành công và tiền bạc. Muốn thay đổi tư tưởng của mọi người tại Hồng Kông có thể rất khó, nơi quan điểm truyền thống cho rằng sở hữu nhà mới là điều đáng quý trọng. Lam chia sẻ thêm: “Thật buồn là ở Hồng Kông người ta nói về nhà cửa như nó là một quyết định đúng hay sai. Nếu bạn theo đuổi mục tiêu mua nhà, bạn đúng; nếu bạn không coi trọng mục tiêu đó, bạn sai”.
Anh cũng cho rằng mỗi người nên tập trung đầu tư vào điều gì quan trọng với họ, cả trong lĩnh vực tài chính lẫn chuyên môn. Anh nói: “Tôi nghĩ đó mới là những câu hỏi chúng ta cần tự hỏi bản thân, để lựa chọn xã hội mà mình muốn tạo nên”.
Bạn đang nghĩ về việc tậu một chiếc ô tô? Hãy khoan, tỷ phú Mỹ Kevin O’Leary, chuyên gia tài chính cá nhân, ngôi sao chương...