Sản xuất kim cương bằng vi sóng trong 10 tuần
Những viên kim cương được sản xuất một cách đạo đức hơn và xuất hiện nhiều hơn trên thị trường. Nhưng các công ty như Alrosa ở Nga và De Beers chưa thấy việc sản xuất kim cương nhân tạo như mối đe dọa lớn.
Ngày nay, người mua nhìn vào giá cả trước khi xem chất lượng. Nếu kim cương nhân tạo chỉ chiếm một phần trên thị trường kim cương thế giới vốn đạt 80 tỉ USD, thì nhu cầu gia tăng đến nỗi người mua tìm kiếm những viên kim cương rẻ hơn và vấn đề đạo đức cũng được quan tâm hơn. Thật vậy, những viên kim cương mang tiếng xấu trong những năm gần đây khiến các hội nhân quyền và cả ngành công nghiệp điện ảnh phải nhúng tay vào.
Những viên kim cương được sản xuất một cách đạo đức hơn và xuất hiện nhiều hơn trên thị trường.
Các tổ chức này đã dùng từ ngữ “kim cương máu” nhằm tố cáo vai trò mà việc khai thác mỏ kim cương gây nên các cuộc khủng hoảng ở châu Phi. Ví dụ điển hình nhất chính là bộ phim “Blood Diamond” (Kim cương máu) năm 2006 với sự xuất hiện của các ngôi sao Leonardo di Caprio và Djimon Hounsou. Bộ phim báo động về những hậu quả từ việc khai thác kim cương ở châu Phi.
Kim cương tự nhiên được tạo thành ở độ sâu hơn 800 km, dưới nhiệt độ lên đến 2.200 độ C và áp lực cao hơn 1,3 triệu lần so với trên hành tinh xanh. Chúng chỉ được tạo thành từ carbon vốn được làm cứng theo cách rất đặc biệt nhờ vào những điều kiện khắc nghiệt. Từ những nguyên lý đó, người ta có thể chế tạo kim cương nhân tạo chỉ trong vài ngày. Việc sản xuất này giúp đáp ứng được nhu cầu đang gia tăng.
Không giống như những viên kim cương nhái như oxy hóa chất zirconium (ZrSiO4), những viên kim cương được sản xuất trong những phòng thí nghiệm có cùng đặc tính vật lý và cấu tạo hóa học như một viên kim cương thật. Chúng được chế tạo từ carbon đặt trong một phòng vi sóng có khí metan hoặc một loại gas khác có chứa carbon và được quá nhiệt trong một quả cầu plasma phát sáng. Quá trình chế tạo này có thể chỉ mất 10 tuần.
Sau khi sản xuất được kim cương thô, các chuyên viên bắt đầu gọt giũa để cho ra thị trường những viên kim cương nhân tạo đẹp lóng lánh. Ngày nay, một người tiêu thụ trẻ có phần lo lắng về nguồn gốc xuất xứ của kim cương mà họ mua. Trong một cuộc thăm dò của hãng tư vấn Gemdax, chỉ 45% người mua Bắc Mỹ từ 18 đến 35 tuổi thích kim cương tự nhiên hơn.
Các công ty thống lĩnh thị trường đá quý tự nhiên như Alrosa ở Nga và De Beers không thấy rằng những viên kim cương mới là mối đe dọa lớn, bởi đó chỉ là một số lượng nhỏ. Năm ngoái, chỉ 360.000 viên kim cương nhân tạo được sản xuất, trong khi 146 triệu carat kim cương tự nhiên được tung ra thị trường trong năm 2013, đó là theo đánh giá của Frost&Sullivan. Việc sản xuất kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm có thể vượt lên con số 2 triệu viên trong năm 2018 và 20 triệu viên trong năm 2026.
Về phần mình, Liên hiệp quốc tăng cường cuộc chiến chống lại kim cương máu. Một bản báo cáo mật của một nhóm chuyên viên thuộc Liên hiệp quốc đã được chuyển cho Ủy ban hình phạt của Cộng hòa trung Phi và ban chuyên gia của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 2.9 qua. Theo báo cáo, việc kinh doanh kim cương bất hợp pháp tài trợ cho những tác giả chính của cuộc xung đột và ngày càng liên quan đến các nước láng giềng như Cameroon và Tchad.