Samsung lọt top 10 nộp thuế lớn nhất Việt Nam, Toyota tụt thê thảm
2 vị trí dẫn đầu trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam vẫn là những cái tên quen thuộc. Thế nhưng, phía dưới, những cái tên lớn đã có sự xáo trộn không nhỏ.
Viettel thời tướng Hùng vẫn khởi sắc
Thống kê trên vừa được đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong “Lễ công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017” sáng 3/8.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất được xây dựng trên cơ sở doanh nghiệp có số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách Nhà nước lớn trong năm 2017.
Đối tượng xét là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các tập đoàn, tổng công ty thì công ty mẹ và công ty con được xếp hạng độc lập để đảm bảo phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, đứng đầu tiên trong top 1.000 là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viettel ở vị trí này.
Chưa báo cáo cụ thể số thuế đã nôp của từng doanh nghiệp nhưng báo cáo của Viettel công bố trước đó cho thấy, đơn vị này nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Đứng thứ 2 là Công ty Honda Việt Nam. Giống Viettel, Honda Việt Nam năm ngoái cũng là đơn vị ở vị trí tương tự.
Đáng chú ý, cái tên từng đứng thứ 3 top doanh nghiệp nộp thuế lớn năm 2016 là Công ty Toyota Việt Nam đã vắng bóng trong top 10 năm nay. Toyota Việt Nam năm nay bị đẩy xuống tít tắp thứ 19.
Có số phận tương tự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nếu như năm 2016, tập đoàn này còn ở vị trí thứ 3 thì 1 năm sau, PVN đã sát cuối top 20 (thứ 18).
Ngược lại, Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam năm 2017 đã có bước tiến đáng kể với vị trí thứ 8. Cách đây 1 năm, Samsung Việt Nam đứng thứ 13.
Samsung Electronics Việt Nam năm 2017 đã có bước tiến đáng kể với vị trí thứ 8
Doanh nghiệp Nhà nước “bét bảng”
Top 20 doanh nghiệp nộp thuế lớn năm nay vẫn thể hiện sự thống trị của các ngân hàng. Có tổng cộng 6 ngân hàng trong top 20, cụ thể là: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (thứ 4), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) (thứ 9), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (thứ 10), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) (thứ 12), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) (thứ 17) và Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) (thứ 20).
Những cái tên ông lớn khác trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu như: Tổng công ty Khí Việt Nam (thứ 3), Công ty Sữa Việt Nam (thứ 6), Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heineken Việt Nam (thứ 7), Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam (thứ 8), Tổng công ty Viễn thông Mobifone (thứ 13), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (thứ 14).
Đó là với những doanh nghiệp top trên. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thuế thống kê, trong 1.000 doanh nghiệp xếp hạng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang mới là ngành góp số thuế nhiều nhất với 36,7% tỷ trọng nộp trên toàn bảng.
Tiếp theo là lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm với số nộp chiếm 14,8%. Lĩnh vực thông tin truyền thông đứng thứ 3, chiếm 9,3% tổng số thuế nộp của 1.000 doanh nghiệp trên.
Nếu tính theo địa bàn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố tiếp tục dẫn đầu về số lượng và tỷ trọng đóng góp về số thuế. Tỷ lệ nộp thuế của các doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 36% và 32,5%. Đồng Nai và Bình Dương ở vị trí tiếp theo.
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp FFDI chính là khu vực đóng góp thuế nhiều nhất trong top 1.000 với 36,7% trong toàn bảng. Tiếp theo là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tỷ lệ đóng góp thuế chiếm khoảng 34,1%. Bảng xếp hạng của năm 2017 chỉ có sự đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước với tổng số thuế là 27,7% của toàn bảng xếp hạng.