Sabeco và Habeco sắp được rao bán với giá 2 tỉ USD
Chính phủ Việt Nam kỳ vọng sẽ huy động được hơn 2 tỉ USD từ việc bán cổ phần tại Sabeco và Habeco vì hiện nay, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 90% cổ phần ở Sabeco và 82% cổ phần ở Habeco.
Ảnh minh họa
Theo nhiều nguồn tin thân cận, tính tới thời điểm hiện tại, các hãng bia nước ngoài bày tỏ quan tâm đến việc mua cổ phần của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là Thai Beverage (ThaiBev) và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken của Đan Mạch và Anheuser-Busch InBev của Bỉ.
Trong đó, Heineken, Singha và AB InBev vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về thương vụ sắp tới này. Còn ThaiBev và Kirin cho biết họ đã sẵn sàng chờ cơ hội mua cổ phần của Sabeco và Habeco, Asahi thì tiết lộ họ quan tâm tới cổ phần của Sabeco.
Về phía Việt Nam, với hai thương vụ này, Chính phủ kỳ vọng sẽ huy động được hơn 2 tỉ USD vì hiện nay, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 90% cổ phần ở Sabeco và 82% cổ phần ở Habeco. Cổ phần tại hai doanh nghiệp này dự kiến sẽ được rao bán trong vòng 2 năm tới. Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập M&A tại Việt Nam đã vượt tới 4 tỉ USD.
Liên quan đến việc thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này, Tổng giám đốc Sabeco Lê Hồng Xanh cũng cho biết, thương vụ rao bán cổ phần lần này của công ty đã nhận được sự quan tâm của nhiều thương hiệu bia nước ngoài do họ nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bia ở Việt Nam cũng như tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang ở mức nhanh nhất thế giới.
Đề cập đến phương thức bán, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau nên lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp cũng khác nhau.
Với Habeco thì đây là doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 82% vốn điều lệ, người lao động giữ 0,56% và các cổ đông khác giữ 1,88%, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg nắm giữ 15,77%, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5,77% cho nhà đầu tư chiến lược này. Dự kiến sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (82%) tương đương 9.000 tỉ đồng sẽ được thoái trong năm 2016.
Đối với Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 90% vốn điều lệ. Do vốn tại doanh nghiệp này lớn nên Bộ Công thương đề nghị sẽ thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt. Đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỉ đồng trong năm 2016; đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỉ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc thực hiện thoái vốn sẽ theo quy định hiện hành của pháp luật, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chống độc quyền và một số quy định pháp luật khác.