Rút khỏi sàn: Làm ăn tốt cũng hủy niêm yết

Không chỉ DN nhỏ, DN làm thua lỗ mà những tên tuổi lớn làm ăn rất tốt cũng đang rục rịch rời sàn, tháo chạy khỏi kênh huy động vốn dài hạn của các nền kinh tế.

Sự bất thường của các ông lớn

Chiều muộn ngày 8/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo về các quyết định của Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường ngày 5/10 của Công ty cổ phần Gò Đàng - Godaco Seafood (AGD) - 1 doanh quy mô đáng kể về chế biến thủy sản và có chỉ số kinh doanh hàng đầu trên sàn.

Theo đó, ĐHCĐ thông qua hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) có phương án mua lại toàn bộ số cổ phần của cổ đông nhỏ với giá 50.000 đồng/cp (so với mức giá chốt ngày 8/10 là 46.000 đồng/cp) trước khi hủy niêm yết.

Cổ phiếu (so với gần 12 triệu cổ phiếu hiện tại) với mức giá không thấp hơn 55.000 đồng/cp. Lý do hủy niêm yết tự nguyện không được AGD đưa ra trong thông báo và dường như AGD chưa sẵn sàng cung cấp thông tin này cho các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, quyết định rút khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) của 1 DN có hoạt động kinh doanh tốt và có giá vào loại “khủng” hiện nay như AGD không phải là quá bất ngờ với giới đầu tư.

Gần đây hiện tượng tháo chạy khỏi sàn chứng khoán đã trở thành 1 làn sóng. Nhiều trong số đó là các DN làm ăn be bét, cù nhầy không công bố thông tin, sai phạm để rời sàn; có các DN xin hủy niêm yết tự nguyện bị biết trước sau cũng bị đuổi; nhưng cũng có đơn vị đang kinh doanh tốt nhưng niêm yết trên sàn lợi bất cập hại nên cũng muốn rút lui vào bóng tối.

Trước AGD, giới đầu tư chứng khoán hẳn không còn lạ quyết định rời sàn của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR (MKP) vừa qua.

Cụ thể, ngày 12/7, hơn 10 triệu cổ phiếu MEKOPHAR đã chính thức rời sàn HOSE, khép lại những khúc mắc dai dẳng hơn 1 năm qua tại doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực dược phẩm này.

Cũng giống như AGD, MKP rời sàn trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang làm ăn rất tốt, kinh doanh tăng trưởng và giá cổ phiếu ở mức trên 45.000 đồng/cp. Việc “ra đi” của MKP và AGD không phải là vì phạm phải các điều kiện buộc phải hủy bỏ niêm yết như lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất…

Một trường hợp khác giống AGD là CTCP Vinafco (VFC). ĐHĐCĐ thường niên 2012 của doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giao nhận này đã 100% thông nhất hủy niêm yết tự nguyên trên HOSE.

Mặc dù kết quả kinh doanh của VFC vẫn đang ổn định và lợi nhuận đang theo chiều tăng trưởng nhưng chủ trương là như vậy và Đại hội đã ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để hủy niêm yết 34 triệu cổ phiếu trên HOSE và lựa chọn phương án đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Nghị quyết của một số doanh nghiệp lớn, có triển vọng kinh doanh khá tốt khác cũng đã tính việc rời sàn là SQC, IFS…

Những gương mặt tươi sáng đang rời bỏ kênh huy động vốn dài hạn của nền kinh tế khiến nhiều người đặt ra câu hỏi lý do vì sao lại như vậy? Phải chăng lên sàn lợi bất cập hại, hay tính hấp dẫn của TTCK đang suy giảm?

Lợi bất cập hại?

Trong trường hợp AGD, do chưa thể liên lạc được với doanh nghiệp này nên lý do muốn rời sàn của công ty là giới đầu tư chưa được biết và khá bất ngờ với quyết định nhanh chóng nói trên. Nhưng với trường hợp MKP thì việc rời sàn có lẽ là lựa chọn bắt buộc.

Trên thực tế, không phải MKP mới tính tới chuyện rời sàn trong năm khó khăn 2012 này mà câu chuyện muốn hủy niêm yết tự nguyện đã xuất hiện từ hơn 1 năm trước. Sự việc bắt đầu tư chỗ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm MEKOPHAR tiến hành đăng ký lại giấy phép kinh doanh và không được chấp thuận cho bán buôn bán lẻ dược phẩm. Lý do là vì MKP là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm 4,7% vốn.

Với MKP - doanh nghiệp ngành dược có bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm, hiệu quả kinh doanh cao và ổn định, kim ngạch xuất khẩu trong nhóm lớn nhất tại Việt Nam, việc không được phân phối thuốc đồng nghĩa với việc sản xuất, kinh doanh của Mekophar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do không được xét công nhận thực hành tốt nhà thuốc, thực hành tốt phân phối thuốc...

Trong bối cảnh các quy định hiện hành còn thiếu và yếu, để giải quyết vướng mắc này, ĐHCĐ bất thường MKP hồi giữa năm 2011 đã thông qua giải pháp khóa room ngoại và hủy niêm yết. Sau đó vài tháng, MKP đã kéo room ngoại về được 0% và mất thêm vài tháng nữa để đảm bảo quyền thoái vốn của đông (thực tế MKP không mua lại được bao nhiêu cổ phiếu quỹ bởi cổ đông không chịu bán).

Dường như dị ứng với việc niêm yết hoặc giao dịch tập trung, nơi có thể giúp cổ đông giao dịch cổ phiếu được thuận lợi hơn nhưng các quy định có thể bị “đá nhau” với các văn bản luật khác, MKP gần đây cho biết, công ty chưa nghĩ đến phương án chuyển sang sàn Upcom (sau khi hủy niêm yết trên HOSE). Trước mắt, MKP rời sàn để thực hiện tái cơ cấu cổ đông, đảm bảo không còn sở hữu của cổ đông nước ngoài ở công ty.

Như vậy, theo MKP, dù muốn hay không muốn thì việc rời sàn gần như là 1 giải pháp bắt buộc do những quy định không rõ ràng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bó buộc hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong trường hợp của VFC, trong ĐHCĐ thường niên năm 2012 tổ chức hôm 19/4, một trong các cổ đông lớn của VFC là Cty TNHH Đầu tư Golden Age (nắm 25,25% cổ phần) - người đề xuất hủy niêm yết, cũng thẳng thắn cho rằng việc niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông, tính thanh khoản kém, không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Phương án này sau đó đã nhanh chóng được 2 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Mascon (nắm 35,3%), Vietnam Investments Fund I nắm 12,2%) và các cổ đông nhỏ khác thông qua.

Có thể thấy, sau vài năm đua nhau lên sàn để cổ phiếu tăng giá, để ồ ạt phát hành tăng vốn thu tiền về hoặc mở rộng quy mô, để có thanh khoản cao… giờ đây số lượng cổ phiếu trên sàn tuy chưa thực sự nhiều nhưng cũng đã khá đông đảo (hơn 700 mã niêm yết tập trung). Trong đó, không ít cổ phiếu lởm, lên sàn theo kiểu chụp giật, tận dụng cơ hội do chính sách tạo ra… Việc chắt lọc, đào thải các cổ phiếu này là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp làm ăn tốt, triển vọng tươi sáng cũng đang bỏ sàn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết nhưng thấy tình cảnh bi đát trên sàn thì bỏ của chạy lấy người. Đây là hiện tượng cần xem xét kỹ hơn nữa về tính hấp dẫn của TTCK.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN